Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Namhttps://caodangyduocvietnam.edu.vn/uploads/logo-3_1.png
Thứ hai - 12/06/2023 21:21
Những điều cần biết về liệt dây thần kinh số 7??? Liệt dây thần kinh số 7 hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Bệnh gây ra triệu chứng méo miệng và liệt mặt; Bệnh không những ảnh hưởng thẩm mỹ, giao tiếp của bệnh nhân mà còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Liệt dây thần kinh số 7 là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền. Vậy nguyên nhân của bệnh do đâu? Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không và cần định hướng điều trị như thế nào là đúng? Hãy theo dõi bài viết dưới đây. 1. Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 Dây thần kinh mặt có đường đi rất phức tạp từ thần kinh trung ương qua thái dương và tuyến mang tai rồi đến các cơ ở vùng mặt. Đây chính là lý do các tổn thương vận động của nửa mặt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: nguyên nhân từ thân não, ở dây thần kinh số 7, tuyến mang tai... Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng:
Do bị nhiễm lạnh đột ngột, trúng gió;
Mắc các bệnh hô hấp trên như viêm tai - mũi - họng mà không được điều trị;
Có bệnh lý ở nền sọ;
U của hệ thần kinh trung ương;
U dây thần kinh thính giác;
Bị chấn thương ở xương chũm, vùng thái dương,...
Bệnh huyết áp;Đái tháo đường;
Xơ vữa động mạch...
2. Đối tượng có nguy cơ cao bị liệt dây thần kinh số 7
Người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu;
Hay uống rượu bia;
Người mang thai;
Thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya;
Người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp;
Những người hay phải đi sớm về khuya, làm việc ban đêm trong môi trường tiếp xúc với gió lạnh...
3. Biểu hiện liệt dây thần kinh số 7 - Mặt người bệnh không tự nhiên, bị lệch 1 bên, mặt đơ cứng, khó biểu hiện cảm xúc trên nửa khuôn mặt. Mất cân đối trên toàn bộ khuôn mặt. - Không nhắm mắt chặt lại được, mắt ở phần nửa khuôn mặt bị đơ cứng sẽ chỉ nhìn thấy lòng trắng do nhãn cầu bị đẩy lên trên. Mắt khô do người bệnh không kiểm soát được việc tiết nước mắt gây khó khăn trong cử động. - Bên miệng hơi méo xệ, méo hơn gây khó khăn trong giao tiếp. - Đau tai: Âm thanh 2 bên tai không đồng đều, đau ở tai. - Mất cảm giác vị giác, tăng tiết nước bọt trong miệng khi thực hiện ăn uống hoặc nói chuyện. Nhiều khi bị đau đầu… 4. Chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 bằng nào? Với bệnh liệt dây thần kinh số 7, cách chẩn đoán chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về trường hợp liệt mặt của người bệnh, xác định khu tổn thương giúp chẩn đoán và xác định được vị trí tổn thương thông qua cách xuất hiện tình trạng liệt mặt, các triệu chứng đi kèm như chảy tai, chấn thương, rối loạn vị giác, giảm tiết nước mắt... Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua lâm sàng bằng cách:
Xác định tình trạng liệt mặt ngoại biên với các dấu hiệu đặc trưng của tổn thương như dấu hiệu Charles bell, người bệnh không thể nhắm kín mắt
Ở trạng thái nghỉ, mặt người bệnh không cân xứng, bị kéo lệch về bên lành, nếp nhăn trán bị xóa so với bên đối diện, cung mày bị rũ xuống, mép bên liệt bị hạ thấp so với bên kia, má nhẽo và phồng lên khi thở ra
Đối với các tổn thương kín, bác sĩ có thể thấy được nhờ dấu hiệu khi nhắm chặt mi mắt, lông mi bên liệt dài hơn bên lành
Nhìn chung để chẩn đoán chính xác tình trạng liệt dây thần kinh số 7, bác sĩ điều trị cần dựa vào các yếu tố trương lực cơ khi nghỉ, nghiên cứu nhóm cơ ở mặt và thực hiện các thăm khám khác như:
Khám tai: Tìm các nốt phỏng vùng cửa tai, chảy tai và tình trạng màng nhĩ cho phép hướng chẩn đoán nguyên nhân.
Khám họng và cổ: Sờ cổ mặt và khám họng để loại trừ khối u tuyến mang tai.
Khám thần kinh: Tìm các tổn thương dây thần kinh sọ phối hợp khác.
Bệnh nhân có dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7 ngoài được chẩn đoán lâm sàng, còn được thực hiện các cận lâm sàng, xác định chính xác tình trạng, nguyên nhân gây bệnh.
Chụp cộng hưởng từ sọ não có mạch máu não để xác định tổn thương tại trung ương hay ngoại biên
Ghi chẩn đoán điện: phản xạ Blink test và ghi dẫn truyền vận động dây thần kinh 7
Các xét nghiệm khác: Công thức máu, Đường máu, Máu lắng, Sinh hóa...
5. Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không? Bệnh liệt dây thần kinh số VII có thể gây ra các di chứng nặng nề khác nhau như:
Các biến chứng mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng tránh bằng nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính, khâu sụn mí hoàn toàn hay một phần.
Đồng vận: biểu hiện co cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mép bị kéo khi nhắm mắt. Thất bại trong điều trị, phục hồi chức năng có thể giảm bớt khó chịu này.
Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.
Hội chứng nước mắt cá sấu: hiếm gặp, biểu hiện chảy nước mắt khi ăn.
6. Điều trị liệt dây thần kinh số 7 như thế nào?
Với tình trạng liệt dây thần kinh số 7, các bác sĩ điều trị sẽ điều trị nội khoa, kết hợp ngoại khoa để mang lại hiệu quả nhanh chóng và toàn diện cho bệnh nhân. Tùy trường hợp là liệt VII ngoại biên hay trung ương mà có hướng điều trị khác nhau:
Liệt VII ngoại biên: Trước tiên là chỉ định điều trị nội khoa, người bệnh liệt dây thần kinh số VII sẽ được sử dụng corticoid sớm, liều cao (1mg prednisolon /kg) sau khi đã loại trừ các chống chỉ định (đái tháo đường, lao, loét dạ dày- tá tràng, rối loạn tâm thần...)
Ngoài ra có thể dùng các thuốc chống virus đặc biệt cho những trường hợp có bệnh cảnh nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt. Các phương pháp điều trị phối hợp khác như vật lý trị liệu, châm cứu cùng với các bài tập cơ mặt sẽ mang đến hiệu quả toàn diện cho người bệnh.
Liệt VII trung ương: cần xác định nguyên nhân gây ra tổn thương trung ương là do đâu: u, nhồi máu hay xuất huyết vùng thân não (trên nhân dây thần kinh),... để có hướng điều trị đúng.