Xét tuyển Y khoa bằng điểm Văn gây phản ứng trái chiều

Thứ ba - 23/05/2023 22:47
Xét tuyển Y khoa bằng điểm Văn gây phản ứng trái chiều

Một số trường đưa môn Văn vào xét tuyển y khoa với lý do thầy thuốc cần biết diễn đạt và cảm thông bệnh nhân, nhưng giới bác sĩ cho rằng việc dùng điểm Văn không thích hợp.

Trong 27 trường đại học đào tạo ngành Y khoa ở Việt Nam, bốn trường dùng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển, gồm trường Văn Lang, Duy Tân (Đà Nẵng), Võ Trường Toản ở Hậu Giang và Tân Tạo ở Long An.
 

Sinh viên Khoa Y trường Đại học Võ Trường Toản đi thực tập tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, năm 2020. Ảnh: VTTU

Sinh viên Khoa Y trường Đại học Võ Trường Toản đi thực tập tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, năm 2020. Ảnh: VTTU

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng thường trực trường Đại học Duy Tân, cho biết trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa từ năm 2022, sau khi tham khảo ý kiến của nhà tuyển dụng và kinh nghiệm đào tạo.

Theo ông Hải, các lãnh đạo bệnh viện mong tuyển được bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh. Đây cũng là nhu cầu của người dân khi đi khám chữa bệnh.

Trường xác định hai môn quan trọng với ngành Y là Toán và Sinh. Nhưng thay vì chỉ lấy điểm môn Sinh, trường dùng bài thi Khoa học tự nhiên gồm ba môn Sinh, Hóa, Lý. Sau đó, trường thêm môn Văn vào tổ hợp.

"Văn là người. Người học giỏi Văn thường dễ đồng cảm, sẻ chia và giàu lòng trắc ẩn. Tôi cho rằng tổ hợp Toán, Khoa học tự nhiên và Văn đánh giá khá toàn diện khả năng của thí sinh", ông nói.

Ngành Điều dưỡng của trường trước đó đã xét tuyển bằng ba tổ hợp có môn Văn. Sinh viên ra trường được nhà tuyển dụng đánh giá phù hợp, bắt nhịp nhanh, hoàn thành tốt công việc, theo ông Hải.

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, trường Đại học Văn Lang, lý giải tuyển bằng điểm Văn bởi xã hội đòi hỏi ngày càng cao với bác sĩ, ngoài chuyên môn cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, chia sẻ. Vì thế, họ cần có kỹ năng truyền đạt, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân.

"Những tố chất của người học giỏi môn Văn rất cần thiết cho công việc này", ông Vĩ nói.

Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường có thể tự chọn môn trong tổ hợp xét tuyển, miễn là mỗi tổ hợp có tối đa ba bài thi, trong đó có Toán hoặc Văn.

Năm 2014, Bộ trưởng Y tế từng hưởng ứng đề xuất của một số hiệu trưởng Y, Dược về việc đưa Văn vào xét tuyển. Lãnh đạo ngành Y tế khi đó cho rằng môn Văn giúp cán bộ nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền, nhận định nếu khả năng tư vấn, giải thích, giao tiếp của một số cán bộ ngành Y hạn chế, gây ra hiểu lầm, khiến quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ không được thân thiện.

"Ở góc độ này, đưa Ngữ văn vào xét tuyển đầu vào có phần phù hợp", ông Cảnh nói.

Tuy nhiên nhiều bác sĩ hoặc giảng viên Y khoa phản đối, lo ngại cách chọn môn Văn chỉ để phục vụ chiến lược tuyển sinh, cạnh tranh giữa các trường.

Một giảng viên một trường y ở TP HCM phân tích nếu chỉ tuyển bằng các tổ hợp truyền thống như Toán-Hóa-Sinh hoặc Toán-Lý-Hóa, các trường sẽ phải cạnh tranh mạnh với các cơ sở đào tạo tên tuổi. Ngưỡng đầu vào của ngành Y theo tổ hợp ba môn thông thường từ 22 điểm thi tốt nghiệp hoặc 24 điểm học bạ trở lên. Khi những thí sinh điểm cao đã vào các trường Y lớn, nếu vẫn xét bằng hai tổ hợp trên thì các trường tư sẽ khó hút thí sinh.

"Khi đưa ra một tổ hợp riêng, một mình một ngựa, các trường dễ tuyển được nhiều hơn", ông nhận định.

'Không giỏi văn, chẳng lẽ không thương người'

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, cho rằng tố chất quan trọng nhất của người học y là sự chính xác, logic, bên cạnh nền tảng kiến thức Sinh học tốt.

Cùng quan điểm, một bác sĩ đa khoa, cựu sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, nói Y khoa là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác cao nên điều kiện đầu tiên là phải có kiến thức khoa học tự nhiên tốt.

"Không phải cứ giỏi Văn thì mới phân tích, giải thích tốt được", anh nói, và thêm rằng giao tiếp thuộc kỹ năng mềm, ai ở ngành nghề nào cũng phải trau dồi, không riêng ngành Y.

Mặt khác, bác sĩ Khanh cho rằng lòng trắc ẩn, sẻ chia là kết quả của quá trình giáo dục lâu dài từ nhà trường, gia đình, xã hội chứ không phải ai giỏi Văn thì thương người hơn.

"Những bác sĩ trước đây không giỏi Văn lẽ nào không thương người", ông Khanh, người từng tư vấn cho hàng chục nghìn người trong những ngày đại dịch Covid ở TP HCM, nói.

Cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội cho rằng nếu muốn đa dạng tổ hợp xét tuyển, các trường có thể tạo ra các tổ hợp mới, như Lý-Hóa-Sinh, Sinh-Hoá-Anh, phù hợp để đánh giá năng lực của thí sinh theo ngành Y hơn.

Theo ông Cảnh, các trường cần hài hoà lợi ích bằng cách để một tỷ lệ rất nhỏ chỉ tiêu xét theo tổ hợp có môn Văn trong những năm đầu. Nếu trường dành chỉ tiêu lớn có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng đến thí sinh và gây dư luận không tốt.

Thực tế, trong năm đầu trường Đại học Duy Tân tuyển sinh ngành Y khoa với tổ hợp có môn Văn, chưa đến 10 thí sinh trúng tuyển theo tổ hợp này. Nguyên nhân, theo lãnh đạo trường là các em khó đạt điểm cao môn Văn khi đã học thiên về các môn khoa học tự nhiên.
Theo VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây