Thầy cô phải là người khơi gợi “sự đói” kiến thức của học sinh

Thứ bảy - 20/11/2021 04:32
Thầy cô phải là người khơi gợi “sự đói” kiến thức của học sinh
 

Với hơn 40 năm cống hiến với ngành giáo, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Viết Lâm vẫn miệt mài đem lại những kiến thức mới cho các thế hệ học trò.

Vào nghề từ năm 1978, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, đến nay thầy Nguyễn Viết Lâm đã có nhiều thành tựu cao quý. Thầy từng được trao tặng Huân chương Lao động hạng III, Chiến sĩ thi đua, Nhà giáo ưu tú.

Người Đưa tin đã có buổi chia sẻ với GS.TS Nguyễn Viết Lâm, Giảng viên cao cấp, khoa Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, người vừa được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Người Đưa tin (NĐT): Là 1 trong 7 Nhà giáo Nhân dân trong năm 2021, cảm xúc thầy có cảm xúc như thế nào khi được trao tặng danh hiệu này ?

NGND Nguyễn Viết Lâm: Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được trao tặng danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp giáo dục. Danh hiệu thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp của các thầy cô.

Để có được danh hiệu này, đó là sự nỗ lực, cống hiến, cũng như nghiên cứu không ngừng nghỉ suốt hơn 43 năm qua của cá nhân tôi. Và đây cũng sẽ là động lực để tôi tiếp tục công việc của mình.

Giáo dục - Thầy cô phải là người khơi gợi “sự đói” kiến thức của học sinh

Thầy Nguyễn Viết Lâm vẫn luôn tự mày mò để ứng dụng công nghệ vào trong giảng dạy

NĐT: Những năm 90 của thế kỷ trước, Marketing vẫn còn là một ngành nghề rất mới ở Việt Nam, đâu là lý do Thầy lựa chọn ngành này để gắn bó?

NGND Nguyễn Viết Lâm: Khi tôi mới vào nghề đất nước đang trong bối cảnh nền kinh tế chỉ huy bao cấp. Từ trong nhà trường đến ngoài xã hội, không có khái niệm marketing.

Đến năm 1990, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Đây cũng là khoảng thời gian tôi được học trường Đại học Kinh tế tài chính Xanh-Petecbua, Liên Bang Nga. Là một trong những trường học có tư duy rất sớm về nền kinh tế thị trường.

Chính trong những năm tháng làm nghiên cứu sinh tại đây, tôi đã được tiếp xúc với từ marketing.

Xuất thân từ ngành Vật giá, đặc điểm của ngành này cũng rất gần gũi với marketing. Nên sau khi trở về trường, chúng tôi cũng đã tư duy rất nhanh, và đã hình thành nên ngành marketing. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thể nói là ngôi trường đại học đầu tiên mở ra ngành này.

NĐT: Thời gian đầu mở ngành học chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn phải không thưa Thầy?

NGND Nguyễn Viết Lâm: Vào thời điểm đó, ngay cả doanh nghiệp cũng không hiểu rõ về marketing, các thầy cô cũng rất vất vả để có thể truyền đạt kiến thức cho sinh viên theo học.

Theo tôi, điều quan trọng nhất của một ngành học đó là ngoài cuộc sống có cần mình hay không. Nếu sinh ra trường không có việc làm, sẽ tạo một phản ứng ngược lại quá trình đào tạo.

Từ những thuở ban đầu, chúng tôi đã luôn kiên trì vừa giảng dạy nhưng cũng vừa phải “truyền thông” với xã hội.

Sau khoảng 10 năm và cho đến giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng ngành đây là thời điểm chín muồi của ngành marketing, nó thể hiện qua việc xu hướng chọn ngành của các em sinh viên, và nhu cầu của xã hội.

Giáo dục - Thầy cô phải là người khơi gợi “sự đói” kiến thức của học sinh (Hình 2).

Lòng yêu nghề là điều quan trọng khi bước vào nghề giáo

NĐTNhững năm gần đây, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phương pháp dạy và học đã thay đổi rất nhiều. Từ dạy học trực tiếp, chúng ta có mô hình đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến. Là giảng viên thuộc thế hệ đi trước, Thầy có gặp khó trong việc đón nhận sự thay đổi này?

NGND Nguyễn Viết Lâm: Chuyển sang thời đại công nghệ 4.0, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nó đã tạo ra bước ngoặt trong nhiều lĩnh vực, đòi hỏi có sự thích nghi nhanh chóng. Giáo dục và ngay cả bản thân tôi cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Để đảm bảo cho quá trình giảng dạy, học tập trong nhà trường vẫn được liên tục và không bị ảnh hưởng nhiều. Nhà trường đã có sự thích ứng nhanh, linh hoạt. Chúng tôi sử dụng các nền tảng trực tuyến, công nghệ thông tin để kết hợp hài hòa dạy trực tuyến và trực tiếp.

Đối với các giáo viên như tôi, vì không phải là người làm ra công nghệ, thì cũng cần phải nhanh chóng học tập, thay đổi, nhanh chóng bắt kịp các phương pháp học tập mới.

Tôi vẫn tự mày mò chuẩn bị bài giảng, các slide, bài tập tình huống, đề thi để đảm bảo cho sinh viên vẫn được tiếp thu kiến thức đầy đủ như khi học trực tiếp.

NĐT: Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, vất vả, Thầy có thấy điều đó trong hơn 40 năm sự nghiệp của mình?

NGND Nguyễn Viết Lâm: Nghề giáo là một nghề có rất nhiều khó khăn. Từ bản thân tôi có thể gắn bó được thì cũng phải rất yêu nghề. 

Đối với tôi người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà phải khơi gợi được sự “đói kiến thức” của sinh viên. Khi thầy cô đem lại những kiến thức có giá trị cho sinh viên thì ngay lập tức sinh viên sẽ cuốn hút theo giờ giảng. Đó là những nguồn lực thôi thúc, động viên tôi vững trong nghề giáo.

Thời điểm tôi được giữ lại làm giáo viên ở trường vào năm 1978, khi đất nước đang diễn ra khủng hoảng thiếu, phân phối từng hàng hóa một, nghề giáo viên lúc đó chỉ được 13kg gạo/tháng.

Đời sống của xã hội nói chung và đời sống của nghề giáo vô cùng khó khăn. Nhưng vì lòng yêu nghề, mến trò mà tôi vẫn cố gắng tiếp tục.

NĐT: Ở Việt Nam, nghề giáo không phải là nghề cho thu nhập cao nhưng vẫn luôn là sự lựa chọn đầy tự hào của các bạn trẻ. Là người đi trước, Thầy có lời khuyên gì dành cho các sinh viên ngành sư phạm - những thầy cô tương lai của đất nước?

NGND Nguyễn Viết Lâm:  Bản thân các em phải xác định mình phù hợp với ngành nghề nào, mỗi người sẽ có những năng khiếu và thiên hướng riêng. Nghề giáo với những đặc thù, đòi hỏi phải có kiến thức về bộ môn mà mình giảng dạy và bên cạnh đó là chuyên môn sư phạm.

Chuyên môn sư phạm giống như người nghệ sĩ, là yếu tố bẩm sinh. Nếu có nhiều kiến thức nhưng không có chuyên môn sư phạm thì khó có thể có giờ giảng chất lượng.

Niềm yêu nghề sẽ được nhân lên từ đối tượng mà tôi phục vụ, đó là những sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên.

Giáo dục - Thầy cô phải là người khơi gợi “sự đói” kiến thức của học sinh (Hình 3).

Học sinh là nguồn động lực giúp thầy cô thêm yêu nghề

Đối với các em sinh viên, nên chọn đúng nghề mà phù hợp với mình, không nên chọn theo cảm tính mà không dựa vào năng lực các nhân. Điều này sẽ dẫn đến chán nản, thậm chí bỏ học.

Trong quá trình học, các em cũng phải ý thức được nhu cầu tiếp thu kiến thức của mình, nhận thấy giá trị của kiến thức trong từng môn học thì từ đó mới tích lũy được kỹ năng để đáp ứng nghề nghiệp sau này.

NĐT: Cảm ơn chia sẻ của thầy!

 Theo nguoiduatin.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây