"Học trò còn đánh nhau, dọa thầy cô... còn phải dạy chữ "lễ" trong trường"

Thứ năm - 25/11/2021 20:56
"Học trò còn đánh nhau, dọa thầy cô... còn phải dạy chữ "lễ" trong trường"

"Ngày nào mà các hiện tượng học trò đánh nhau, rủ nhau đua xe, dọa đánh thầy cô... còn xảy ra thì còn cần dạy chữ "lễ" trong trường học".

Nên lược bỏ chứ không loại bỏ "lễ" trong trường học

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Hoàng (Đại học Bristol, Vương quốc Anh), làm việc cho Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global, chia sẻ với Dân trí quan điểm về vấn đề nên hay không nên loại bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" tại các trường học.

Anh Hoàng Nam nói: "Tiên học lễ, hậu học văn" là một phương châm  giáo dục từ xa xưa, xuất phát từ quan điểm của Nho giáo. Như vậy ngày nay, "lễ" có nên loại bỏ không? Tôi cho rằng vừa nên và vừa không nên, điều này cần được triển khai ở các bậc học khác nhau. Nghi lễ, lễ giáo thuộc về phạm trù truyền thống. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa cần được thực hiện thông qua những lời nói, cử chỉ, trong đời sống hàng ngày".
 

Học trò còn đánh nhau, dọa thầy cô... còn phải dạy chữ lễ trong trường - 1

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Nam cho rằng Nên lược bỏ chứ không loại bỏ "lễ" trong trường học. (Ảnh: NVCC)

 

Anh Nam lấy ví dụ về biểu hiện của "lễ" trong cách xưng hô. Ở các quốc gia Á Đông phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn giữ việc xưng hô theo thứ bậc xã hội từ bao đời nay. Thế nhưng ở các quốc gia phương Tây như Anh Quốc, Hoa Kỳ, cách xưng hô vai vế không được sử dụng trong ngôn ngữ thường nhật mà chỉ dùng trong những trường hợp trang trọng. Học sinh bậc phổ thông thường gọi giáo viên bằng họ, kèm các tiền tố như Dr, Mr, Ms khi ở trên lớp và được phép gọi tên riêng trong những dịp thân mật.

"Đối với một quốc gia coi trọng "lễ" như ở Việt Nam, những phép tắc lễ nghĩa cần phải được giữ lại, bởi đó là một phần của việc giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc và giáo dục đóng vai trò tối quan trọng trong nghĩa vụ thiêng liêng này.

Mặt khác, việc lược bỏ các thủ tục lễ tiết một cách phù hợp cũng nên được triển khai, đặc biệt ở các bậc học cao hơn. Giản lược lễ tiết cũng nhằm cởi bỏ sự gò bó, tăng sự thoải mái về tâm lý, từ đó tạo ra môi trường nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo trong quá trình học tập, nghiên cứu cho người học.

Sẽ cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn để đánh giá tác động của chữ "lễ" trong giáo dục, ảnh hưởng tới quá trình học tập, nghiên cứu của học viên. Tuy nhiên, phương pháp "thầy/cô đọc, trò chép" không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Cách giao tiếp giữa người dạy và người học không nên chỉ từ một chiều, mà cần có sự trao đổi qua lại, tôn trọng lẫn nhau.

Giáo viên là người truyền thụ kiến thức, nhưng ngược lại, cũng chính là người thu nạp kiến thức. Người học trong quá trình học cũng có thể đưa ra góc nhìn mới về một vấn đề sẵn có hay thậm chí là đưa ra được những phát kiến mới.

Từ góc độ của một người đã trải nghiệm nhiều môi trường học tập và làm việc khác nhau, đối với tôi, một nhà giáo thành công không chỉ cung cấp thông tin cho người học, mà còn là người cổ vũ, động viên, kích thích người học đưa ra những quan điểm cá nhân, tư duy phản biện.

Những thông tin, quan điểm nào nên được chấp nhận phụ thuộc vào từng lĩnh vực, chuyên môn. Là những người truy cầu kiến thức, trong quá trình trao đổi học thuật có thể người dạy hoặc người học đưa quan điểm chưa chính xác, điều đó là bình thường, song, mọi quan điểm cần được tôn trọng.

Tuy nhiên, cần lưu ý là nên lược bỏ chứ không loại bỏ "lễ" trong môi trường học tập tại Việt Nam. Bởi lẽ, sẽ là bình thường nếu một sinh viên nói chuyện với giáo viên ở trường bằng tiếng Anh: "Hello Harry" hay "Hey Oscar" khi được cho phép. Song tôi không nghĩ là sẽ có nhiều thầy cô giáo ở Việt Nam cảm thấy thoải mái khi nghe học trò gọi một cách trống không: "Trang ơi" hay "Ê Trang". Đó là sự khác biệt về văn hóa!

Đối với tôi, quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm là có cơ sở, sơ bộ mà nói thì là một ý kiến hay, nhưng có thể do cách truyền đạt hoặc thông tin chưa đầy đủ nên chưa rõ ý. Điều này khiến cho dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về chủ đề này", anh Hoàng Nam cho hay.

Xã hội cần người có lễ nghĩa nên học trò cần học "lễ"

Tiến sĩ Chu Đức Hà, làm việc tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: "Ngày nào mà các hiện tượng học trò đánh nhau, rủ nhau đua xe, dọa đánh thầy cô... còn xảy ra thì còn cần dạy chữ "lễ" trong trường học".
 

Học trò còn đánh nhau, dọa thầy cô... còn phải dạy chữ lễ trong trường - 2

Tiến sĩ Chu Đức Hà cho rằng "lễ" cũng quan trọng và cần phải truyền dạy giống như "Năm điều Bác Hồ dạy". (Ảnh: NVCC)


Theo Tiến sĩ Hà, ý nghĩa của câu nói "Tiên học lễ, hậu học văn" cho tới thời đại ngày nay vẫn còn giá trị. So sánh giữa xưa và nay, anh Chu Đức Hà cho rằng, 
"lễ" của Nho giáo là khuôn khổ cứng nhắc, không được phép làm trái hay xê dịch. Còn "lễ" của ngày nay là những quy định, quy tắc phù hợp, có tính mềm mỏng hơn nhưng vẫn là trụ cột của bất cứ môi trường xã hội nào, trong đó có trường học.

"Ngày xưa, thầy nói trò răm rắp nghe theo, còn ngày nay, nhiều ngôi trường phổ thông rất tích cực phát triển cái tôi của học sinh, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, sự phát triển của cái tôi cũng cần nằm trong khuôn khổ cái ta chung của cả xã hội.

Vậy, thế nào là chuẩn mực của "lễ" trong trường học, chúng ta cần làm rõ và nên giữ lại những điều quan trọng nhất, giống như là "Năm điều Bác Hồ dạy", anh Chu Đức Hà cho hay.

Tiến sĩ Hà cho rằng, để phân định rạch ròi về "lễ" sao cho phù hợp giữa thầy và trò cần có góc nhìn, đánh giá nhiều chiều để thấy được những tác động bên ngoài tới người thầy và người trò từ đó thấy được rằng môi trường giáo dục trong gia đình, xã hội cũng có những tác động tới hình thành nhân cách, thái độ, hành vi của mỗi cá nhân.

"Nhiều khi người học đã quen nếp sống thoải mái ở nhà, thích chơi thì chơi, ăn thì ăn, học thì học... Do vậy ở trường cần có những quy củ để "đánh thức" người học, như là đến giờ ăn trưa tập thể phải cùng ăn, đến giờ học là không được nghịch điện thoại... Những quy củ này giúp người học có tinh thần học tập tập trung hơn, đồng thời không hề ảnh hưởng tới tính sáng tạo của học trò mà ngược lại, rèn luyện tính kỷ luật", anh Hà nói.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Hà nhìn nhận luôn có hai mặt của một vấn đề, hiếm có vấn đề nào hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai triệt để. Là một người thầy, anh Hà thấy rằng bản thân anh luôn cần phải mở rộng tầm nhìn, liên tục đổi mới phương thức dạy học mới mẻ nhưng đồng thời vẫn cần gìn giữ, truyền đạt chữ "lễ" cho học trò vì xã hội cần những người biết cách cư xử, có lễ nghĩa và tôn trọng lẫn nhau.
Theo Dantri

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây