"Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói đến những giá trị khác"

Chủ nhật - 21/11/2021 12:12
"Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói đến những giá trị khác"
- Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ”.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” diễn ra hôm nay (21/11) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Xây dựng văn hoá học đường là cơ sở, là nền tảng để đạt mục tiêu đó, góp phần thực hiện sứ mạng, giá trị, mục tiêu giáo dục của nhà trường theo hướng chân - thiện - mỹ.

 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Văn hoá học đường chính là vấn đề quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Tham luận về thực trạng và định hướng xây dựng văn hóa học đường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí  - thể - mỹ, ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tham luận của Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng văn hóa học đường hiện nay như việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành Giáo dục ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn hình thức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; cơ sở vật chất nhiều nơi còn thiếu thốn, nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn khô cứng, thiếu hấp dẫn.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, văn hóa học đường là bao gồm các thành tố, các hoạt động của trường học, cùng các yếu tố liên quan nhưng cốt lõi là hệ thống các chuẩn và hệ các giá trị, trong đó bao gồm quy tắc ứng xử trong hoạt động dạy, học và các quan hệ ứng xử khác, khi những điều đó đạt tới chuẩn mực và các giá trị được xác định thì lúc đó đạt tới giá trị của văn hóa.

“Văn hóa học đường không phải bên ngoài đặt vào trong trường học mà chính là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường - khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường. Trong nhà trường hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cách tiếp cận văn hóa học đường cần tổng thể và toàn diện, nhưng từ tổng thể cần xác định được những yếu tố cốt lõi, để khi ban hành chính sách tác động tới yếu tố đó. Trong đó, một trong những chính sách cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt là làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học sẵn sàng tinh thần thực thi pháp luật và tuân thủ nguyên tắc.

 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo.

“Với một giá trị rộng lớn như văn hóa nếu không tìm chỗ dựa để triển khai sẽ rất khó, cho nên điều đầu tiên là nhà trường, thầy trò cần củng cố và làm thật tốt yếu tố tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, chuẩn trường học, có như vậy mới rõ ràng để thực thi, có tiêu chí để hành động, có chỗ để thưởng phạt, khen chê. Làm tốt được những phương diện này cũng sẽ làm ngay ngắn được trường học. Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói tới các giá trị khác được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Nhìn lại những việc đã làm được trong giai đoạn vừa qua về xây dựng văn hóa học đường, Bộ trưởng cho rằng đã có những việc làm được, nhưng cũng còn nhiều việc phải tiếp tục làm. Trong đó, bao gồm rà soát hệ thống các văn bản, quy định; triển khai mạnh mẽ tự chủ trong giáo dục; đồng thời quan tâm cải thiện cơ sở vật chất trường học. Bởi khi trường học quá nghèo, lớp học tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường của thầy cô còn khó khăn thì việc triển khai văn hóa học đường sẽ không dễ dàng.

“Văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường, nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả”, Bộ trưởng nêu rõ./.

Theo VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây