Thấu hiểu bản thân để chọn chuyên khoa phù hợp

Chủ nhật - 14/01/2024 21:20
Thấu hiểu bản thân để chọn chuyên khoa phù hợp
Thấu hiểu bản thân để chọn chuyên khoa phù hợp
Tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, bước ra khỏi cổng trường đại học, trước mắt của các bác sĩ trẻ là rất nhiều sự lựa chọn để cân nhắc. Các tân bác sĩ phải chọn lựa về con đường hướng đi tiếp theo cho tương lai của mình giữa các lựa chọn như thi nội trú, đi học thực hành lâm sàng, hay xin việc làm. Cùng với sự lựa chọn đó là lựa chọn về chuyên khoa mình sẽ theo bởi vì việc lựa chọn chuyên khoa sẽ là quyết định ảnh hưởng lâu dài tới sự nghiệp hành nghề của các bác sĩ.
Mới ra trường, chưa hiểu biết đầy đủ về hoạt động của nghề Y, mỗi chuyên khoa cũng chỉ được tiếp xúc có giới hạn. Vậy để có lựa chọn được một chuyên khoa phù hợp cho tương lai của mình các bác sĩ trẻ nên làm gì?
Thấu hiểu bản thân để chọn chuyên khoa phù hợp

1. Thấu hiểu bản thân

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Trước mỗi cuộc chiến hay sự lựa chọn khó khăn, việc thấu hiểu bản thân mình là vô cùng quan trọng. Đứng trước sự lựa chọn khó khăn này các bạn hãy nhìn lại và tự lượng giá lại bản thân mình trước nhé. 
Trước hết chúng ta nhìn lại bản thân mình xem có mức độ yêu thích đối với với nghề Y là bao nhiêu? Không phải tất cả các Bác sĩ khi đã tốt nghiệp đại học đều có sự hứng thú với nghề Y. Sẽ có những bạn ngay từ khi vào cổng trường đại học Y đã là sở thích của bản thân, nhưng cũng có một số bạn không hẳn như vậy.
Sau 6 năm đại học, qua những trải nghiệm của mình hãy đánh giá mức độ yêu thích của mình với nghề Y. Bởi nếu chúng ta còn có sự yêu thích, niềm đam mê, chúng ta có thể theo những chuyên khoa, chuyên ngành khó khăn vất vả. Còn nếu chúng ta chỉ ở mức yêu thích nghề Y một chút, chưa có đam mê gì nhiều chúng ta có cân nhắc tới các chuyên ngành ít mang tính chất ngành Y hơn như: Y học cộng đồng, làm việc trong phòng lab, các cơ sở đào tạo, chuyên viên cho bảo hiểm y tế hay chuyên ngành về công nghệ sinh học.
Còn với các bạn thực sự không yêu thích nghề Y thì đổi ngành nghề khác cũng là một sự lựa chọn đáng cân nhắc. Bởi lẽ ngành y vô cùng vất vả, cần đam mê và nhiệt huyết mới giúp các bạn vượt qua khó khăn được. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân. 
Thấu hiểu được nhu cầu bản thân, việc lựa chọn hướng đi sẽ trở nên dễ dàng hơn

Ngành Y dù khó khăn vất vả, nhưng nếu thấu hiểu được nhu cầu bản thân, việc lựa chọn hướng đi sẽ trở nên dễ dàng hơn
Tiếp theo, các bác sĩ trẻ hay nhìn lại xem bản thân đã có đam mê với chuyên khoa nào chưa? Nếu các bạn đã có đam mê, sở thích với một chuyên khoa nào đó thì bạn thực sự may mắn, bởi đam mê đã giúp bạn có một định hướng khá rõ ràng cho lựa chọn của mình rồi. Từ góc nhìn bản thân, tôi luôn đề cao sự đam mê và sở thích trong việc cân nhắc lựa chọn chuyên ngành, yếu tố này nên được coi là yếu tố quan trọng để cân nhắc lựa chọn.
Khi làm việc trong sự đam mê yêu thích của mình, các bạn sẽ làm việc với rất nhiều nhiệt huyết, vượt qua khó khăn, thử thách và đẩy bản thân mình đi nhanh và xa hơn nữa trong chuyên môn. Tôi luôn khuyến khích các bạn sinh viên y và các bác sĩ trẻ có thật nhiều trải nghiệm với các chuyên khoa để nuôi dưỡng cho mình đam mê với một chuyên khoa hay chuyên ngành nào đó, qua đó các bạn sẽ dễ dàng hơn cho các lựa chọn trong tương lai. 
Sau đam mê, hay tự đánh giá lại bản thân mình về năng lực, kỹ năng và năng khiếu. Hãy cùng xem điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình là gì?  Nếu các bạn có sức khỏe tốt, kỹ năng  thực hiện các thủ thuật tốt, không sợ máu có lẽ ngoại khoa là một lựa chọn cho các bạn. Nếu các bạn có kỹ năng đọc, hiểu và tổng hợp khái quát thông tin tốt thì dường như bạn khá phù hợp cho các ngành nội khoa. Nếu các bạn có khả năng về hình ảnh học, về khả năng đánh giá hình thể có lẽ chuyên ngành cận lâm sàng bạn có thể cân nhắc. Hiểu rõ về năng lực bản thân sẽ giúp các bạn chọn được chuyên ngành phù hợp. 
Đánh giá lại các yếu tố liên quan tới bản thân, như tương lai sẽ làm việc tại nơi nào? Ở thành phố lớn hay về quê làm việc ở các bệnh viện nhỏ? Sẽ tiếp tục đi học hay quyết định đi làm? Việc có đam mê và có năng lực, kỹ năng phù hợp với một chuyên khoa nhưng bên cạnh đó cũng có những yếu tố cũng ảnh hưởng đến quyết định của các bạn.
Ví dụ lãnh đạo của bệnh viện hay điều kiện bệnh viện nơi bạn làm, có những bệnh viện đơn thuần chỉ có những chuyên khoa cơ bản như Nội, Ngoại, Sản, Nhi thì dường việc lựa chọn của các bạn sẽ bị giới hạn. Và cũng nên nhớ quyết định lựa chọn chuyên khoa của bạn còn bị ảnh hưởng bởi lãnh đạo của bạn (Giám đốc bệnh viện, Trưởng Khoa) những người sẽ phân công các bạn làm việc và đi học chuyên khoa đối với các bạn đã đi làm. Còn với những bạn lựa chọn đi học thì việc lựa chọn chuyên khoa là nằm trong tay các bạn. 

2. Tìm hiểu về các chuyên khoa

Sau khi đã tự hiểu mình, tiếp tới các bạn hãy tìm hiểu các chuyên khoa qua đó mới có thể đưa ra lựa chọn cho mình. Khi còn là sinh viên các bạn đã được trải nghiệm ít nhiều về các chuyên khoa như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Nhiễm và một số chuyên khoa lẻ. Tuy nhiên ngành y không chỉ bao gồm các chuyên khoa đó, còn khá nhiều chuyên khoa sâu như nội soi đường tiêu hóa, can thiệp mạch, nam học, hỗ trợ sinh sản…
Ngoài ra còn một số ngạch khác như chuyên viên về bảo hiểm y tế, chuyên viên phòng tổ chức hay hành chính tổng hợp, y học học đường, y học cộng đồng hay là làm việc trong các phòng thí nghiệm, các tổ chức y tế. Càng tìm hiểu nhiều, càng biết nhiều về các chuyên khoa, chuyên ngành thì các bạn càng có nhiều sự lựa chọn cho mình. 

Tìm hiểu về các chuyên khoa

Việc tìm hiểu chuyên khoa không chỉ đơn thuần về hoạt động chuyên môn mà các bạn còn nên tìm hiểu mức độ bão hòa của chuyên ngành, nhu cầu về nhân lực, mức thu nhập trung bình của chuyên khoa đó, đây cũng là các yếu tố ảnh hưởng tới các quyết định của các bạn. 
Khi đã có một vài chuyên ngành các bạn cảm thấy thích và phù hợp hãy tìm hiểu sâu hơn nữa. Và việc tìm hiểu rõ nhất, sát nhất chính là học hỏi từ các anh chị đi trước mình đang làm trong lĩnh vực đó. Chính những người bác sĩ đó sẽ có trải nghiệm chân thật nhất. Các hãy tranh thủ hỏi nhắn tin, hay tốt hơn là nên có một cuộc nói chuyện trực tiếp với các anh chị, một buổi hẹn cafe ngắn hay tranh thủ lúc rảnh rỗi của ca trực để học hỏi và tìm hiểu; chắc chắn các anh chị sẽ rất sẵn lòng chia sẻ cùng các bạn.
Việc tận dụng những mối quan hệ sẵn có trong quá trình học tập cũng sẽ giúp ích cho định hướng chuyên ngành trong tương lai
Tuy đã có những thông tin cơ bản và những trải nghiệm của người khác nhưng thực sự trải nghiệm của bản thân vẫn là điều quan trọng nhất, việc này cũng giống như chúng ta mua quần áo, giày dép hay vật dụng gì, thử và trải nghiệm sẽ giúp đưa ra đánh giá và lựa chọn chính xác nhất. Không giống như khi đi học, hãy cố gắng trải nghiệm bản thân như một bác sĩ chuyên khoa và định hình rõ bản thân mình sẽ như thế nào khi là bác sĩ chuyên khoa này, công việc hàng ngày là gì, đọc sách tài liệu gì; chế độ trực gác và công việc có vất vả không, có phù hợp với năng lực, sức khỏe của bản thân mình không.
Sau tốt nghiệp nếu không quá vội phải lựa chọn, các bạn có thể đi trực kèm, xin đi học việc tại chuyên khoa mình muốn. Việc học thực hành lâm sàng trong  18 tháng là một cơ hội tốt để các bạn trải nghiệm các chuyên khoa cơ bản, hãy tận dụng thời gian này, hãy cố gắng dồn nhiều thời gian và công sức của mình để có các trải nghiệm quý giá nhất. 

Kết luận:

Như vậy để lựa chọn chuyên ngành cho mình, trước tiên các bạn cần xác định bản thân mình có bao nhiêu nhiệt huyết với nghề Y. Tiếp tới nếu các bạn đã thực sự có đam mê với một chuyên khoa, chuyên ngành thì việc lựa chọn lại càng dễ dàng hơn. Sau đó, hãy tự tìm hiểu và đánh giá năng lực và ưu nhược điểm của bản thân mình.
Cùng với đó hãy tìm hiểu nhiều hơn về nhiều chuyên khoa, chuyên ngành, tham khảo ý kiến của các đàn anh, đàn chị đi trước, người sẽ cho các bạn các thông tin và nhiều lời khuyên hữu ích. Cuối cùng nếu được hãy tự mình trải nghiệm làm việc như một bác sĩ trong lĩnh vực đó. Ngoài ra các bạn cũng cần cân nhắc tới cá yếu tố xung quanh có ảnh hưởng tới việc quyết định của các bạn cũng như con đường tiếp theo các bạn sẽ đi. 
Với góc nhìn cá nhân thì tôi luôn đề cao yếu tố đam mê và yêu thích cá nhân đối với chuyên ngành. Các bạn nên cân nhắc yếu tố này trước tiên, bởi lẽ chuyên khoa bạn lựa chọn sẽ theo bạn suốt cả cuộc đời. Chính niềm đam mê yêu thích sẽ giúp các bạn vượt qua khó khăn và đạt được các thành tựu tốt đẹp. Thấu hiểu bản thân, có nhiều trải nghiệm, cân nhắc lựa chọn theo đam mê của mình sẽ giúp các bạn lựa chọn được chuyên khoa phù hợp.
Y360 | BS. Mào Thạch Sơn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây