Tư duy và định hướng chọn “Nghề”

Thứ ba - 23/01/2024 02:10
Tư duy và định hướng chọn “Nghề”

Tư duy và định hướng chọn “Nghề”

Ngày nay các bạn sinh viên ra trường luôn đổ xô đi tìm những nghề hot nhất, vội vàng và mạo hiểm. Tư duy nghề thông minh đã bị gạt qua một bên, trong khi nó lại là cẩm nang mấu chốt giúp bạn có thể “đánh đâu thắng đó”, dễ dàng làm chủ con đường nghề nghiệp của bạn ngay từ bước đầu.
Học một đằng, làm một nẻo
Chúng ta chỉ có thể định hướng chứ không thể nắm bắt được tương lai, có thể rằng trong thời gian bạn ngồi trên ghế nhà trường thì chỉ cần một tấm bằng cử nhân là có thể có một công việc ổn định, thế nhưng khi bạn ra trường lúc đó nhu cầu của xã hội lại thay đổi, họ cần những ứng viên có bằng thạc sĩ, hay khi bạn học về chuyên ngành kỹ thuật khi ra trường lại yêu cầu làm về mảng kinh doanh, maketing, chính vì vậy tìm việc làm đúng nghề, đúng nghiệp là quá khó.
Tấm bằng đại học lúc ấy đôi khi lại không thể phát huy hết tác dụng vào mình, đáng lẽ phải là công cụ để giúp sinh viên có thể xin việc thì vô hình chung lại giảm bớt đi giá trị vốn có của mình trong hồ sơ xin việc.
Trước thực trạng không ít sinh viên tốt nghiệp cao đẳng. đại học; thậm chí tốt nghiệp loại khá cũng khó khăn khi xin việc. Vì vậy nhiều bậc phụ huynh và học sinh đôi khi đã quá vội vàng trong việc định hướng nghề nghiệp cho con cái, bằng những mối quan hệ, bằng kinh tế để xin cho con mình những công việc khi ra trường, cho dù biết rằng bốn hay năm năm đại học có thể sẽ có nhiều thứ thay đổi về chương trình học, về xu hướng nghề nghiệp. Đặc biệt có nhiều bạn sau khi vào trường đại học rồi mới đầu đăng ký chuyển ngành học bởi cảm thấy không phù hợp hoặc đam mê với ngành khác nhiều hơn.

Dẫu biết để có sẵn một chỗ làm việc tốt sau khi ra trường luôn được các vị phụ huynh, học sinh cuối cấp và sinh viên đại học quan tâm. Nhưng thực tế này lại khiến nhiều bạn trẻ không tự chủ động được việc học và sự chuẩn bị cho một công việc trong tương lai. Học theo sự sắp đặt từ trước của gia đình và người thân có thể khiến các bạn trẻ không theo đuổi được nghề nghiệp mà mình yêu thích hoặc lĩnh vực có năng khiếu.
Cần lắm một định hướng chọn nghề
Tại hầu hết các trường Trung học phổ thông hiện nay, học sinh lớp 12 luôn được nhà trường tạo mọi điều kiện để tốt nghiệp, còn khâu hướng nghiệp cho các em thì không phải trường nào cũng quan tâm đúng mức. Phải đến khi đặt chân vào giảng đường các trường đại học, cao đẳng, gắn lên áo mình phù hiệu sinh viên thì các bạn trẻ mới được tiếp cận với những hoạt động giúp sinh viên nhìn nhận, làm quen với công việc thực tế.

Sự gắn kết giữa các trường cao đẳng, đại học với các trường Trung học phổ thông trong việc tư vấn chọn ngành, chọn nghề giúp học sinh vẫn là điều “trong mơ”. Thông tin về các khoa, trường đào tạo các lĩnh vực đến tai, tới mắt học sinh Trung học phổ thông thường rất chung chung. Có những thí sinh thi đại học, thậm chí kể cả sinh viên đang theo học tại các trường cũng chưa hề hình dung được về công việc thực tế mà mình sẽ làm sau khi ra trường. Và chỉ tới khi đi thực tập, nhiều bạn trẻ mới vỡ lẽ: à! Hoá ra chuyên ngành mình học và sau này sẽ làm công việc như vậy!
Các bạn học sinh chỉ nghĩ rằng mình thích làm nghề gì thì chọn nghề đó. Nhưng thực tế, để chọn được một nghề nghiệp phù hợp cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố và phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để xem xét trước khi đưa ra quyết định. Lựa chọn nghề nghiệp là quá trình bao gồm nhiều bước, trong đó có ba bước quan trọng và cần thời gian nhất đó là hiểu rõ bản thân, tìm kiếm thông tin về ngành nghề bạn yêu thích nhất và trường đào tạo chất lượng và phù hợp.

Lắng nghe đam mê và thấu hiểu bản thân
Trên thực tế có rất nhiều người suy nghĩ chọn nghề chỉ với mục đích mưu sinh với mức lương đủ sống. Do đó, họ chỉ toàn chọn những nghề an toàn, nhàn nhã so với con người thực của họ mà không hề biết rằng với năng lực vủa mình có thể sẽ kiếm được mức lức gấp đôi thậm chí gấp ba hiện tại. Vô hình chung, thời gian sẽ khiến tài năng của họ bị mai một.
Một bộ phận khác lại chọn nghề theo cảm tính. Tuy có đam mê, có khát vọng nhưng không có tư duy và năng lực, những khát vọng cho dù to lớn và đẹp đẽ đến mấy cũng chỉ còn là những ước mơ viển vông.
Sẽ chẳng hay ho gì nếu bạn rơi vào một trong hai hoàn cảnh trên. Nhiều người may mắn sẽ xuôi chèo mát mái những năm đầu, nhưng đó cũng chi là thành công ngắn hạn. Khi sự may mắn dần cạn kiệt mà không có tư duy cứu vớt, chắc chắn bạn sẽ phải hối tiếc với hai bàn tay trắng. Và khi bạn nhận ra, tất cả đã không còn kịp để “yêu lại từ đầu”.
Chính vì vậy, cho dù là đam mê ít hay nhiều, tham vọng lớn hay nhỏ, hãy cố gắng thấu hiểu bản thân. Hiểu rõ năng lực và lựa chọn công việc phù hợp với mình là bạn đã có một khởi đầu thành công hơn rất nhiều người.
Nhìn nhận năng lực và năng khiếu
Nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn với nhau thì những gì mà bạn học được ở trường học, không phải ai cũng biết cách để áp dụng cho thực tế. Bởi vậy, điểm số ở đại học chỉ làm đẹp CV của bạn hơn thôi, chứ không mang yếu tố quyết định. Một thực trạng hiện nay, là sinh viên Việt Nam rất giỏi lý thuyết nhưng lại hạn chế về khả năng thực hành và kỹ năng thực tiễn. Suy cho cùng bạn phải nhìn nhận chính xác khả năng chuyên môn của bản thân, kèm theo đó là năng khiếu và kỹ năng mềm. Đừng để mình rơi vào một môi trường mà chính bạn không thể chống chọi lại nó. Chính vì vậy, chọn nghề phải đúng năng lực, tính cách bản thân.
Khi chọn ngành, chọn trường không đánh giá đúng năng lực bản thân sẽ dẫn đến hậu quả: nếu đánh giá quá cao sẽ dẫn tới chọn trường thi không phù hợp – dẫn đến thi rớt. Còn nếu đánh giá quá thấp, chúng ta sẽ không dám chọn những nghề phù hợp, những trường tốt, uy tín, đào tạo chất lượng.

Một số bạn lầm tưởng mình có đủ năng lực thi vào ngành, trường đó là mình chọn nghề phù hợp, mà không tính đến tính cách của mình có phù hợp hay không. Ví dụ, có bạn giỏi khối B nên đã chọn ngành y. Nhưng khi vào học lại phát giác không chịu được cảnh máu me, mùi bệnh viện nên đành bỏ học giữa chừng và làm lại từ đầu. Có người học giỏi môn văn đã chọn nghề làm phóng viên báo chí. Đúng là nghề này cần đến người viết văn hay, diễn đạt tư tưởng rành mạch. Song nếu không nhanh nhẹn, tháo vát, năng động, dám xông xáo, chịu đựng áp lực công việc cao… thì không thể theo đuổi nghề này được.
Đừng ngại chọn sai ngành, sai nghề mình theo học
Nếu bạn giữ vững tư duy ngành nào nghề đó, học gì hành đó thì bạn chỉ đang hạn chế lại cơ hội của bạn. Cho phép lỗi tư duy mở, và tự do lựa chọn nghề nghiệp. Trong quá trình đại học chắc hẳn khi các mối quan hệ mở ra, tiếp xúc nhiều hơn với các ngành nghề bạn sẽ tìm thấy nơi thuộc về mình. Dù nó có không đúng trường mà bạn đang học, không đúng định hướng ban đầu thì cũng đừng ngại ngần gì cả.
Đừng từ bỏ hay làm lơ với bất kì cơ hội nào
Bạn dừng lại một giây tức xã hội đang đi nhanh hơn bạn cả hằng hà sa số. Cơ hội luôn nằm xung quanh bạn, tuy nhiên nó chẳng rảnh rỗi mà chờ đợi hay là nhắc nhở bạn nắm bắt nó. Nó cũng không bao giờ gõ cửa nhà bạn hai lần. Vì vậy điều bạn cần là óc quan sát, sự nhanh nhạy và sáng suốt không để cơ hội vụt mất dù chỉ một lần. Thứ bạn cần là óc quan sát, sự nhanh nhạy và sáng suốt không để cơ hội vụt mất dù chỉ một lần
Tránh những việc không đúng đắn khi chọn nghề
Đánh giá thấp ngành học
Nhiều bạn xem thường và đánh giá thấp các ngành đào tạo như giáo viên dạy mầm non, tiểu học, y tá, khí tượng thủy văn, bản đồ, địa chất, nhân học, công tác xã hội, học nghề… và luôn mang tư tưởng cho rằng nghề thợ thấp kém hơn kỹ sư, giáo viên tiểu học thấp hơn giáo viên THPT… Chính vì thế mà chỉ định hướng vào những nghề có đào tạo bậc đại học. Đã là nghề được xã hội thừa nhận thì không thể nói đến sự cao thấp hay sang hèn. Ngành nghề nào đào tạo đều hướng đến mục đích là đáp ứng nhu cầu của xã hội, đều có vai trò, giá trị nhất định trong hệ thống phân công lao động xã hội.
Chọn nghề vì “sĩ diện”
Những năm qua có thể thấy nhiều ngành nghề có tên “công nghệ”,“quản trị”, những ngành nghề có chữ “quốc tế” thường có rất nhiều bạn học sinh đăng ký mà không cần hiểu nội dung, đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề. Lý giải sự lựa chọn của mình, các bạn cho rằng những ngành đó thường “hot”, “thời thượng”, nói ra rất kêu và nâng cao sĩ diện bản thân. Không phải chỉ có những học sinh bình thường mới gặp khó khăn khi chọn nghề, ngành học, nhiều học sinh khá giỏi ở những trường chuyên lớp chọn cũng gặp những “sai lầm chết người” khi chọn cho mình con đường tương lai. Nhiều bạn học sinh trường chuyên chỉ chọn những trường lớn và danh tiếng để thi cho tương xứng với “đẳng cấp” của mình. Có bạn học lực không thi nổi nhưng vẫn cố đăng ký vì… “sĩ diện”.
Theo sự áp đặt hoặc rủ rê của người khác
Mỗi người có một tính cách, năng lực, sở thích, năng khiếu, điều kiện, hoàn cảnh riêng. Nhưng khi chọn nghề lại phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống (hay ý kiến) gia đình dẫn đến nhiều sai lầm. Bạn hãy nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi và đưa ra quyết định cho riêng bản thân mình, thay vì rập khuôn lại. Một số bạn cũng sai lầm khi chọn nghề theo sự rủ rê, theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu. Đôi khi vì tình cảm hay sự gắn bó từ phổ thông mà nhiều bạn cùng rủ nhau thi vào cùng ngành cùng trường. Sau này nhận thấy không phù hợp thì đã muộn rồi.
Hấp dẫn bởi vẻ ngoài của nghề
Ví dụ, như với các nghề diễn viên điện ảnh, dẫn chương trình, người mẫu thời trang, ca sĩ, du lịch, nhà hàng khách sạn, … rất hấp dẫn với các bạn trẻ, nhưng để theo nghề và thạo nghề thì phải có năng khiếu và rèn luyện gian khổ. Có người chỉ tin vào quảng cáo của các cơ sở đào tạo hay vì mức thu nhập mà chọn nghề vào học cũng sẽ dễ chán trường, chán nghề.

Theo phong trào
Nhiều bạn cho rằng ngành nghề nào có thu nhập cao, nhu cầu thị trường lao động cao là ngành nghề hấp dẫn. Ngành nghề có thu nhập, nhu cầu cao chưa hẳn mình thi vào được hoặc vào được nhưng lại không học được phải “đứt gánh giữa đường”. Học được nhưng chưa chắc ra cuộc sống làm được vì có thể mình không phù hợp với ngành nghề này hoặc lúc mình ra trường ngành nghề này không còn nhu cầu cao nữa.
Tự tin chọn nghề và nhạy bén với nghề của mình là điều thiết yếu bạn cần phải rèn luyện. Đừng để khi về già bạn phải hối tiếc về sự nông nổi của tuổi trẻ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây