Không chỉ gan, 4 cơ quan này cũng bị rượu tàn phá nặng nề
Không phải tất cả các cơ quan đều bị ảnh hưởng bởi rượu như nhau. Trong khi một số có thể bị tổn thương hoàn toàn do rượu, những cơ quan khác lại có khả năng phục hồi tốt hơn trước tác động của rượu.
Một số cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi rượu bao gồm:
1.Tim
Theo Summit Medical Clinic (TP Colorado, Mỹ), bạn có thể đã nghe nói rằng rượu vang đỏ tốt cho tim và có thể tăng cường sức khỏe tim mạch. Điều này đúng một phần, uống rượu vang đỏ vừa phải có thể mang lại một số lợi ích do đặc tính chống oxy hóa của nó.
Tuy nhiên, có những cách khác lành mạnh hơn để tiêu thụ chất chống oxy hóa mà không liên quan đến rượu.
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K (Hà Nội), uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ tử vong khi mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp lên đến 7%. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa uống rượu và bệnh thiếu máu cơ tim, rung nhĩ, suy tim sung huyết, là cầu nối giữa bệnh tăng huyết áp và bệnh tim.
Uống nhiều rượu làm suy yếu cơ tim, được gọi là bệnh cơ tim do rượu.
Nhìn chung, uống nhiều rượu có hại cho tim và có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim như huyết áp cao, suy tim, đột quỵ, bệnh cơ tim. Hãy nhớ rằng, nếu bạn chọn uống rượu, hãy uống có chừng mực. Trái tim của bạn sẽ cảm ơn bạn sau này.
2. Não
Không chỉ phản ứng chậm, khả năng phán đoán kém và nói ngọng, rượu có thể có tác động đáng kể đến não của bạn. Điều này là do khi bạn uống rượu, rượu sẽ đi vào máu và di chuyển lên não. Với những người uống rượu vừa phải, những suy giảm này có thể cải thiện sau 12 giờ.
Mặt khác, những người nghiện rượu nặng có thể bị tổn thương não lâu dài do lạm dụng rượu. Thiệt hại này có thể biểu hiện dưới dạng Hội chứng Wernicke-Korsakoff, một tình trạng dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, mất trí nhớ và các vấn đề về thị lực và thăng bằng.
3. Gan
Gan là cơ quan chính của quá trình chuyển hóa ethanol nên gan có mức độ tổn thương mô lớn nhất do uống nhiều rượu. Khi bạn uống rượu, rượu sẽ được phân hủy trong gan. Gan chỉ có thể chuyển hóa một lượng rượu nhất định nên lượng cồn dư thừa sẽ được lưu trữ trong gan. Điều này có thể dẫn đến một số vấn đề, bao gồm:
- Bệnh gan nhiễm mỡ
Phần lớn những người nghiện rượu nặng sẽ mắc bệnh gan nhiễm mỡ ở một mức độ nào đó. Bệnh gan nhiễm mỡ là tình trạng gan tích tụ quá nhiều chất béo. Mặc dù các triệu chứng có thể không xuất hiện ở giai đoạn đầu nhưng bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. May mắn thay, bệnh gan nhiễm mỡ có thể hồi phục nếu bạn ngừng uống rượu.
- Xơ gan do rượu
10% đến 20% những người uống rượu nhiều sẽ bị xơ gan. Xơ gan là tình trạng gan bị sẹo đến mức không thể hoạt động được do mô sẹo thay thế các tế bào gan khỏe mạnh. Xơ gan là bệnh không thể hồi phục và có thể gây suy gan gây tử vong và ung thư gan nếu không được điều trị.
- Viêm gan do rượu
Viêm gan do rượu là tình trạng gây viêm gan và tổn thương tế bào gan. Các triệu chứng của viêm gan do rượu bao gồm sốt, đau bụng, vàng da, nôn mửa. Viêm gan do rượu có thể có mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến suy gan và đe dọa tính mạng nếu không ngừng uống rượu.
4. Tụy
Tuyến tụy là một cơ quan nhỏ nhưng thiết yếu nằm phía sau dạ dày. Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và giúp phân hủy thức ăn.
Rượu cũng có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy. Khi bạn uống rượu, rượu có thể làm hỏng tuyến tụy và dẫn đến viêm tụy, một tình trạng có thể gây viêm tuyến tụy dẫn đến tử vong.
Hơn nữa, uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. Tiên lượng của bệnh ung thư tuyến tụy thường rất kém, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ từ 5 đến 10%.
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K (Hà Nội), uống > 40gr rượu/ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm tụy cấp và mãn tính. Cơ chế là do bia, rượu làm rối loạn quá trình bài tiết enzym tụy, các enzym bị hoạt hóa và thực hiện chức năng ngay khi còn ở trong tụy, gây ra viêm tụy.
Ngoài ra, uống rượu cũng tăng nguy cơ bị sỏi mật có triệu chứng. Đây cũng là một trong những nguy cơ gây viêm tụy. Việc tiếp tục uống rượu, ngay cả uống với liều lượng thấp sau khi bệnh gan hoặc tụy khởi phát, sẽ làm bệnh diễn biến nặng hơn.
5. Thận
Thận là một cặp cơ quan nằm ở hai bên cột sống, ngay dưới khung xương sườn của bạn. Thận giúp lọc chất thải và nước thừa ra khỏi máu và tạo ra nước tiểu. Rượu có thể có tác động đáng kể đến thận. Uống nhiều rượu có thể khiến thận bị viêm và dẫn đến bệnh thận.
Các tình trạng khác có thể phát triển do sử dụng rượu bao gồm sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu…
Khi uống rượu, thận của bạn phải làm việc nhiều hơn để cố gắng lọc rượu và chất độc ra khỏi cơ thể. Uống rượu cũng có thể gây mất nước, dẫn đến sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy, nếu bạn đang uống rượu, hãy nhớ uống nhiều nước để giúp cơ thể đủ nước và thận vẫn khỏe mạnh.
Hà An
Nguồn tin : Dân Trí