Ngành dược phân hoá

Thứ năm - 04/11/2021 21:50
Ngành dược phân hoá

Bức tranh kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 của ngành dược phẩm có sự phân hóa đáng kể về doanh thu, lợi nhuận. Trong khi các tên tuổi đầu ngành vẫn thu về kết quả thuận lợi, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

thanh-lap-cong-ty-nganh-duoc-2-574x400

Ảnh Internet

Nhu cầu thuốc và các sản phẩm nâng cao sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh tăng cao trong đại dịch đã giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh dược phẩm báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 và 9 tháng đầu năm rất tích cực.

Cụ thể, trong quý 3, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đạt doanh thu 1.054 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, LNTT đạt 222 tỷ, tăng 18,7%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, DHG đạt hơn 3.269 tỷ doanh thu và 675 tỷ lợi nhuận, lần lượt tăng 16% và 14,7% so với 9 tháng đầu năm 2020. So với kế hoạch 2021, DHG cùng thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau 9 tháng.

Để đạt được kế hoạch này, ban lãnh đạo công ty cho biết DHG đã tập trung bán các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ trong mùa dịch COVID-19 cũng như hệ thống phân phối và kết nối với khách hàng được thực hiện tốt. 

Trong khi đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, CTCP Traphaco (TRA) ghi nhận 1.596 tỷ đồng doanh thu, 246 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt là 21,9% và 39%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu 3 quý đầu năm đạt 3.899 đồng, cao hơn so với 2.815 đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý III/2021, CTCP Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco (mã PBC) đạt doanh thu 190,3 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng từ 4 triệu đồng lên mức 6,9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Pharbaco lãi 40,4 tỷ đồng, tăng đến 359% so với cùng kỳ năm trước.

Screenshot (1302)

Lợi nhuận trước thuế của một số doanh nghiệp ngành dược. Đvt Tỷ đồng

Về phần mình, dược phẩm OPC cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, doanh thu trong quý 3 đạt 299 tỷ đồng, tăng 40% so với quý 3/2020. Dù các chi phí trong kỳ tăng mạnh, song OPC vẫn thu về lợi nhuận 43,2 tỷ, tăng đến 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, OPC ghi nhận 774 tỷ doanh thu, tăng 15% và 112 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh so với mức 96 tỷ cùng kỳ. Năm 2021, OPC đặt kế hoạch doanh thu 866 tỷ và LNTT 143 tỷ đồng, như vậy, sau 3 quý Công ty đã lần lượt thực hiện được 89% chỉ tiêu doanh thu và hơn 78% chỉ tiêu lợi nhuận. Tương tự, Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) cũng báo lãi 190 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước nhờ tiết giảm các khoản chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cùng ngành cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực sau 9 tháng là CTCP SPM (SPM) khi báo lãi tăng đến 206% lên mức 14,4 tỷ đồng nhờ có kế hoạch dự phòng từ cuối năm trước nên kịp cung ứng để duy trì hoạt động, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD) nhờ đẩy mạnh bán các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cũng đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 21%, CTCP dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1) báo lãi 9 tháng ở mức 41,3 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước,…

Dù vậy, ở chiều ngược lại cũng có không ít doanh nghiệp dược phẩm cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài trên toàn quốc. Điển hình như Imexpharm (IMP) với doanh thu thuần 256 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Theo IMP, trong kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến doanh thu giảm, hoạt động ngưng trệ trong khi chi phí tăng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý 3 năm nay giảm mạnh đến 33%, chỉ còn 38 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 155 tỷ đồng, giảm 7% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Tại Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (PMC) do phải tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh nên doanh thu quý 3/2021 giảm 59% và lãi giảm 83% so cùng kỳ; UPH cũng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh 33% do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển lưu thông hàng hóa cũng như sức tiêu thụ các mặt hàng của công ty.

Triển vọng ngành

Trong một báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cho rằng mặc dù tăng trưởng của ngành dược bị giảm sút trong 3/4 chặng đường của năm, song nhiều yếu tố mới đã xuất hiện, kỳ vọng hỗ trợ ngành hồi phục và tăng trưởng trở lại ở quý cuối cùng và cả năm tiếp theo.

Cụ thể trên thị trường dược phẩm, giá hoạt chất đầu vào dược phẩm toàn cầu (API) đã “hạ nhiệt” nhanh chóng do Ấn Độ đã nối lại sản xuất và chuẩn bị tăng thêm công suất. Sau khi Ấn Độ hạ giá, Trung Quốc cũng bắt đầu giảm giá API từ tháng 8 và SSI nhận định rằng giá API nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục giảm trong vài tháng cuối năm 2021.

Trên cơ sở đó, SSI kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp tiếp cận thị trường dược phẩm Việt Nam từ nửa cuối năm 2021 và giá nguyên liệu đầu vào của các công ty trong nước sẽ sớm giảm từ mức cao.

Ngoài ra, quy trình phê duyệt thuốc đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước đây.

“Đây là một dấu hiệu đáng mừng, vì nhiều công ty dược phẩm trong nước đang cần triển khai các sản phẩm mới để đối phó với tốc độ R&D (nghiên cứu và phát triển) ngày càng tăng trong ngành. Đặc biệt là đối với các công ty gần đây đã chọn không xây dựng các nhà máy sản xuất mới như IMP, DHG hay Công ty Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định (mã DBD), Công ty Cổ phần Pymepharco, vì các công ty này đang chờ giấy phép thuốc mới để mở rộng sản xuất,” báo cáo của SSI chỉ ra.

Với những phân tích trên, SSI đưa ra dự báo ngành dược sẽ tăng trưởng doanh thu tốt hơn và có thể sẽ cạnh tranh hơn từ năm 2022.

“Trong các công bố gần đây của cơ quan quản lý, trong năm 2022, Việt Nam khả năng sẽ mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ, cùng với tỷ lệ tiêm chủng đang ngày càng tăng trong toàn dân, các công ty dược phẩm sẽ đạt được kết quả lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt mức trước dịch COVID-19,” báo cáo chỉ ra.

Screenshot (1304)

Trong đó, SSI ước tính tổng doanh thu của TRA đạt 2.190 tỷ đồng (+15%) trong 2021 và 2.540 tỷ đồng(+16%) trong 2022. Lợi nhuận ròng ước tính đạt 275 tỷ đồng (+28%) trong 2021 và 353 tỷ đồng (+29%) trong 2022.

Cùng với triển vọng sáng, trên thị trường chứng khoán, nếu tính từ cuối tháng 7 đến nay, mã TRA đã tăng trưởng 18% giá trị, từ mức 76.400 đồng/CP lên 90.200 đồng/CP (phiên 4/11).

Lưu ý rằng, không chỉ riêng TRA mà phần lớn các mã cổ phiếu khác thuộc nhóm cũng đã ghi nhận khả năng sinh lời ấn tượng trong 3 tháng qua, như SPM tăng 54%, VMD tăng 51%, DDN tăng 35%, CDP tăng 32%,...
Theo nhadautu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây