"Làm nghề y ấy là lúc nào cũng phải nghĩ đến người bệnh"

Thứ hai - 08/11/2021 21:42
"Làm nghề y ấy là lúc nào cũng phải nghĩ đến người bệnh"

Bà ngoại khuyên tôi như vậy khi tôi quyết định thi vào Đại học Y Hà Nội.

 

Trong ký ức của tôi, bà ngoại lúc ấy đẹp lắm, tóc trắng muốt như tuyết. Nhưng bà bị UNG THƯ PHỔI nó ăn vào tận xương khiến bà đau đớn vật vã. Mà thời ấy thì đâu có giống như bây giờ, không có thuốc giảm đau  không có gì điều trị. Tôi chỉ mong cho bà ra đi nhẹ nhàng là mừng lắm rồi.

Năm ấy tôi học lớp 11, chứng kiến cảnh bà ngoại cứ cắn răng chịu cơn đau do căn bệnh ung thư hành hạ rồi ra đi trong những cơn đau đớn. Tôi nhận ra mình muốn làm gì và trở thành người như thế nào sau này. Tôi quyết tâm chọn nghề nào mà giảm đau cho xã hội. Và, tôi chọn nghề Y.

"Làm nghề y ấy, là lúc nào cũng phải nghĩ đến người bệnh" - Ảnh 2.

Trong những ngày này bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cùng các đồng nghiệp đang chung tay cùng miền nam chống dịch COVID-19

Cũng có nhiều người hỏi tôi, có phải tôi chọn nghề y là vì định hướng của bố mẹ và gia đình. Không, bố mẹ chưa bao giờ ép tôi phải trở thành người này hay người nọ, giáo sư hay tiến sĩ. Việc tôi quyết định làm bác sĩ hoàn toàn là do chính bản thân tôi tự quyết định.

Có nhiều người đã hỏi tôi về những được mất khi trở thành bác sĩ. Tôi trả lời rằng: Sự được mất biến đổi rất nhiều theo thời gian.

Những năm chập chững bước vào nghề, những cái mất đã làm tôi suýt bỏ sang làm trình dược viên.

Với một bác sĩ trẻ mới ra trường, áp lực công việc khủng khiếp và đồng lương còm cõi so với các bạn đồng trang lứa sẽ làm nản lòng bất cứ ai.

Rồi khó khăn nhất trong giai đoạn này là quan hệ đồng nghiệp và bệnh nhân – những bài học xương máu không một trường lớp nào dạy dỗ.

"Ma cũ bắt nạt ma mới", "chủ nghĩa kinh nghiệm" luôn là một phần của nghề. Những cái xấu trong xã hội va vào ở mọi góc cạnh, làm mình nghiêng ngả. Tôi mất nhiều và không bỏ nghề bác sĩ chỉ vì tiếc gần mười năm đèn sách và "sợ bố mẹ buồn".

Sau giai đoạn chập chững "đầu đời" bác sĩ, cái được "ập tới" theo nhiều cách khác nhau.

Khi đã có chút tiếng tăm, có chút chức vụ nho nhỏ lúc này mọi chân trời đều rộng mở. Có vẻ như bạn có được mọi thứ, sự tôn trọng của đàn em và bạn bè, sự quý mến của bệnh nhân và người nhà của họ…thậm chí cả những bài báo ca ngợi, những bổng lộc từ đâu rơi xuống khiến bạn thấy hạnh phúc.

"Làm nghề y ấy, là lúc nào cũng phải nghĩ đến người bệnh" - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trong một lần khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em vùng cao

Nhưng, cũng chính vào giai đoạn này, bạn phải trả giá nhiều nhất bởi những nỗi buồn mà nghề y mang đến. Những ca tai biến do sự bất cẩn hoặc nằm ngoài sự hiểu biết ( mà ta tưởng là ghê gớm lắm) của mình hoá ra thật nhỏ nhoi so với kiến thức trong "đại dương" y khoa. Cái mất ấy khó mà tả hết vì nó có thể gặm nhấm, đeo đuổi bạn cho đến hết cuộc đời.

Sau hơn hai mươi năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không thể phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ. Có thể chỉ là niềm vui nhỏ nhỏ như một món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm.

"Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ đến bà, vì bà là bệnh nhân. Chính vì nghĩ đến bà nên sau này tôi chữa bệnh gặp ca nào khó, ca nào buồn, tôi luôn có cảm giác bà ở bên cạnh, như là phù hộ tôi, an ủi động viên tôi; nhưng cũng có nhiều khi nghiêm khắc với tôi: Đừng làm gì sai, đừng làm gì quá với vai trò của người thầy thuốc".  

Nhưng cũng có những nỗi buồn lại ngày càng hiện hữu. Chúng ta sẽ ít lo hơn về cơm áo gạo tiền, vậy mà những chuyện tưởng chừng rất nhỏ lại làm trái tim cứng cỏi về tuổi nghề rung động. Ấy là khi nghe tin đồng nghiệp bị đánh hay bác sĩ "nhập kho" cũng có thể mất ngủ cả tuần. Sai sót nếu có, dù rất nhỏ cũng không thể được chấp nhận.

Lúc này, nghề y sẽ trở thành máu thịt của bạn như cơm ăn nước uống hàng ngày, ngay cả trong lời ăn tiếng nói, suy nghĩ, ở bất cứ nơi đâu đều liên quan đến y học.

Cho đến bây giờ và có lẽ nhiều năm nữa khi có ai hỏi ngành y cho tôi được nhiều hay mất nhiều hơn, tôi vẫn sẻ trả lời: Cái mất, cái hy sinh nhiều hơn cái được. Nhưng nếu làm lại, tôi vẫn chọn nghề bác sĩ mà chẳng cắt nghĩa nổi vì sao!

Theo SKĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây