MỸ Tái nhiễm nCoV có thể dẫn đến những vấn đề về tim, phổi, làm tăng nguy cơ nhập viện và khả năng bị Covid-19 kéo dài.
Các triệu chứng của Covid-19 hiện nay bớt nghiêm trọng, tuy nhiên người mắc bệnh nhiều lần vẫn phải chịu một số rủi ro về sức khỏe. Nghiên cứu trên tạp chí Nature Medicine cho biết tái nhiễm virus có thể gây tổn hại cho một số cơ quan quan trọng. Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, chuyên gia dịch tễ lâm sàng, tác giả chính nghiên cứu, ghi nhận những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe, cả ngắn và dài hạn.
Theo nghiên cứu, những người mắc Covid-19 hơn một lần thì nguy cơ nhập viện cao gấp ba lần, nguy cơ tử vong gấp hai lần so với những người bị một lần. Người hay tái nhiễm cũng dễ mắc các bệnh nguy hiểm khác. Nguy cơ gặp các vấn đề về phổi cao gấp 3,5 lần, khả năng mắc bệnh tim cao gấp ba lần, gặp các vấn đề về thần kinh cao hơn 1,6 lần.
Kết quả này tương đồng với những nghiên cứu ghi lại tác động của Covid-19 lên cơ thể vào năm ngoái. Trong một số báo cáo của Hiệp hội Khoa học Thần kinh hồi tháng 11/2022, các nhà khoa học nhận định tình trạng viêm nhiễm do Covid-19 có thể ảnh hưởng lâu dài đến não, kể cả ở trẻ em. Nghiên cứu thực hiện trên 14 trẻ, trong độ tuổi 10 đến 13, có sự thay đổi ở những vùng cụ thể trong não khoảng 15 tháng sau khi nhiễm virus. Người trưởng thành nhiễm nCoV ở mức độ nhẹ cũng có những thay đổi về não bộ khoảng 4 tháng sau khi mắc bệnh.
Các nghiên cứu trong một năm gần đây chỉ ra rằng nhiễm virus nhiều lần - tình trạng ngày càng phổ biến khi đại dịch kéo dài và trở thành đặc hữu - có thể gây ra các tác động phức tạp. "Chúng tôi muốn biết việc tái nhiễm có ảnh hưởng gì quá nhiều không, có cho thấy hệ miễn dịch đã thích nghi bởi từng phát hiện ra virus trước đó và phát triển cách đối phó với chúng hay không?" tiến sĩ Al-Aly đặt câu hỏi.
Ông Al-Aly cho rằng những lần nhiễm virus thứ hai hoặc thứ ba đối với một người chắc chắn góp phần làm tăng thêm vấn đề về sức khỏe, ngay cả khi họ đã tiêm chủng. Sau mỗi lần mắc bệnh, khả năng phục hồi của cơ thể giảm thêm một chút. Đến một lúc, virus tấn công đủ nhiều, bệnh sẽ đặt cơ thể vào trạng thái nguy hiểm.
"Cộng dồn lại, mỗi lần lây nhiễm có thể đưa bạn gần hơn đến giới hạn của cơ thể. Đó là lý do chúng ta nên tránh tái nhiễm để gìn giữ sức khỏe nói chung", ông nói.
Nhiễm nCoV nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài. Hiện các nhà khoa học chưa rõ yếu tố nguy cơ khiến một số người phát triển triệu chứng dai dẳng sau khi đã xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, họ nhận định bất kỳ lần mắc bệnh nào cũng có thể thúc đẩy tình trạng này.
"Nhiều người nói tôi từng mắc Covid-19 và không gặp vấn đề kéo dài nào cả. Điều đó thật tốt. Nhưng hãy nhớ, bạn né được đạn một lần không có nghĩa may mắn sẽ xuất hiện lần thứ hai. Bạn có sẵn sàng đặt cược không?", tiến sĩ Al-Aly nói.
Các ca tái mắc Covid-19 có thể gây áp lực cho hệ thống y tế, khi tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp khác tăng cao. Nhiều quốc gia Đông Nam Á hiện báo cáo số ca nhập viện tăng lên. Người mắc bệnh nhiều lần có thể tạo thêm gánh nặng.
Theo tiến sĩ Al-Aly, cách tốt nhất để phòng tái nhiễm là tiêm vaccine, đặc biệt là tiêm liều nhắc lại; đeo khẩu trang nơi công cộng và tránh tụ tập đông người nếu cảm thấy mình có triệu chứng bệnh.
"Chúng tôi không kêu gọi phong tỏa hay thực hiện các biện pháp hà khắc, mà muốn thông báo cho mọi người rủi ro, khuyến khích thực hiện các biện pháp để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cá nhân. Hậu quả khi mắc bệnh lần thứ hai và thứ ba không nhẹ nhàng như nhiều người nghĩ", ông nói.
Theo VN Express
Tác giả bài viết: Phòng Tuyển sinh và Truyền thông
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn