Sáu năm theo nghề điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức (TPHCM), Đỗ Thị Hằng Nhi có năm cái Tết cổ truyền xa quê nhà Đắk Lắk. Tết con mèo 2023 vừa rồi là lần đầu tiên kể từ khi đi làm Hằng Nhi được về ăn Tết cùng gia đình.
Chia sẻ với dự án Cùng chăm lo cho người chăm sóc, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nghề điều dưỡng: Nơi máy không thay được người” do Trung tâm Cải tiến chất lượng Y tế (CHIR) tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, Hằng Nhi cho biết, công việc của người làm điều dưỡng vào ngày thường hay ngày lễ Tết cũng nhiều như nhau nhưng “còn bị áp lực hơn sau dịch Covid-19, khi một loạt nhân viên y tế nghỉ việc”.
“Áp lực” mà điều dưỡng viên Hằng Nhi nói đó không hoàn toàn do khối lượng công việc tăng cao khi lực lượng nhân sự mỏng đi sau dịch Covid-19. Theo kết quả khảo sát với hơn 1.000 điều dưỡng tại Việt Nam vào tháng 12-2022 do CHIR thực hiện, hơn 70% số điều dưỡng viên gặp áp lực tài chính do nguồn thu nhập chưa nhiều. 50% điều dưỡng viên cho biết vì thiếu tài chính nên không thể tự đầu tư cho việc học tập nâng cao tay nghề cho bản thân.
Thu nhập chưa cao cũng là một trong bốn lý do Bộ Y tế nêu trong tham luận gửi Diễn đàn Kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2022 tháng 9-2022, khi lý giải về tình trạng gần 10.000 nhân viên y tế khu vực công nghỉ hoặc chuyển việc chỉ trong vòng 18 tháng, trong đó 30% là điều dưỡng viên. Bên cạnh đó là các áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và từ gia đình, người thân…
Thách thức thay đổi: cải tổ từ gốc rễ đào tạo
Cũng theo khảo sát của CHIR, 60% số điều dưỡng viên cho rằng cộng đồng chưa hiểu được vai trò của người làm công việc điều dưỡng. Điều dưỡng viên thường được cho là người phụ việc của bác sĩ, dẫn đến vị trí và chức năng của ngành điều dưỡng chưa được nhìn nhận chính xác.
Theo Thạc sĩ ngành điều dưỡng Trương Thị Mai Quyên, Trưởng dự án Đồng hành cũng điều dưỡng Việt Nam, CHIR, trong một thời gian dài chương trình đào tạo nhân sự ngành điều dưỡng tại Việt Nam theo hướng bác sĩ là giảng viên đứng lớp đào tạo cho điều dưỡng viên cũng là người thiết kế nội dung giảng dạy. Điều dưỡng viên được đào tạo theo hướng “thực hành đối phó với bệnh hơn là để chăm sóc, phục hồi sức khỏe”.
Trên thực tế, bác sĩ và điều dưỡng viên có vai trò, chức năng khác nhau. Điều dưỡng viên là người bảo hộ bệnh nhân, quan tâm đến vấn đề sức khỏe và phục hồi sức khỏe, chăm sóc toàn diện cả thể xác lẫn tinh thần người bệnh. Còn bác sĩ tập trung vào việc đối phó với bệnh, chẩn đoán bệnh, ra y lệnh chữa trị…
Nhiều năm giảng dạy tại chuyên ngành điều dưỡng tại trường Đại học Yersin Đà Lạt và thực hành lâm sàng tại các bệnh viện hàng đầu, bà Quyên cho rằng nguyên lý về chăm sóc cần có đội ngũ chuyên sâu, phát triển các học thuyết chuyên ngành.
Để nâng cao tính hiệu quả của ngành điều dưỡng phải đổi mới đào tạo chuyên khoa với các giảng viên là giảng viên chuyên ngành điều dưỡng dạy cho điều dưỡng thay vì bác sĩ dạy cho điều dưỡng.
Chính các điều dưỡng viên phải hiểu được vai trò của mình, để không còn mang tâm lý chỉ là trợ thủ của bác sĩ. Mối quan hệ giữa điều dưỡng viên và bác sĩ phải là mối quan hệ hỗ trợ, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.
Tổ chức theo Ekip chăm sóc
Với mong muốn đồng hành, cải tiến chất lượng y tế tại Việt Nam, đại diện CHIR, bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh gợi ý các bệnh viện của Việt Nam tổ chức việc chăm sóc theo đội để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và phát huy hiệu quả vai trò của từng nhân sự ngành y tế. Bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên kỹ thuật… tạo thành một ekip cố định xuyên suốt quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Ở đây, điều dưỡng viên là người theo sát các diễn biến sức khỏe của bệnh nhân sẽ cập nhật tình hình cho bác sĩ, dựa theo đó các bác sĩ đưa ra các quyết định điều trị phù hợp. Điều này đòi hỏi điều dưỡng viên phải có kiến thức để tự tin đóng góp vào công tác điều trị.
“Điều dưỡng viên muốn tự tin phải giỏi chuyên môn”, TS.BS. Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, khuyến nghị. Chú trọng vai trò và đào tạo cho đội ngũ điều dưỡng là công việc quan trọng mà các bệnh viện trong đó có nơi công tác của bà Lan Anh đang làm để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Chuẩn bị cho tương lai
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2036 – thời điểm mà hơn 23 triệu người thuộc nhóm người trung niên (30-44) bây giờ sẽ thành người già, ngành điều dưỡng được cho là sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nhân lực nếu từ bây giờ Nhà nước không có các bước chuẩn bị thiết thực.
Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn lời Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Diều dưỡng Việt Nam ngày 22-10-2022 cho rằng, sự phát triển ngành diều dưỡng còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa kết nối hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng nhân lực.
Ông Thuấn cho hay, tỷ lệ điều dưỡng viên hiện tại là 16,5 người/10.000 dân. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân, Nghị quyết 20/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng/10.000 dân, đến năm 2030 đạt 33 điều dưỡng/10.000 dân.
Như vậy, với dân số 100 triệu dân hiện tại, tới năm 2025, Việt Nam ước tính cần thêm khoảng 85.000 điều dưỡng viên. Cũng theo số liệu từ Thứ trưởng Thuấn, cả nước hiện có 182 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ từ trung cấp tới đại học với 54.800 học viên. Với trung bình gần 18.000 người tốt nghiệp mỗi năm và với giả định nhân sự ngành không có biến động giảm, tới năm 2025, Việt Nam vẫn thiếu hàng chục ngàn điều dưỡng viên.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%, theo Quỹ dân số Liên hiệp quốc. Đến năm 2036, Việt Nam chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Nhu cầu chăm sóc người già trong tương lai là rất lớn.
Nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe lớn khi dân số già hóa là vấn đề đang diễn ra tại Nhật Bản và Vương quốc Anh. Các quốc gia này phải “nhập khẩu” lực lượng điều dưỡng viên từ nước ngoài để bù vào nguồn nhân lực còn thiếu. Sự phụ thuộc vào lực lượng điều dưỡng nước ngoài của các nước giàu đặt ra câu hỏi về tác động với các nước nghèo hơn.
Philippines và Ấn Độ, những nước có nguồn lực điều dưỡng xuất khẩu lo động lớn nhất thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng điều dưỡng nội tại dù đào tạo nhiều hơn mức cần thiết.
Theo Economist, tỷ lệ điều dưỡng Philippines là hơn 50 người/10.000 dân và 20 người/10.000 dân ở Ấn Độ. WHO cho rằng Philippines sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt gần 250.000 điều dưỡng viên vào năm 2030. Cần lưu ý, tỷ lệ điều dưỡng ở Phillippines và Ấn Độ vẫn lớn hơn tại Việt Nam hiện tại.
Ngày nay, Việt Nam tích cực trong việc đưa lực lượng điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, với cơ cấu dân số vàng, lực lượng điều dưỡng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Câu chuyện tương tự Phillipines, Ấn Độ có thể xảy ra và có thể còn nghiêm trọng hơn bởi viễn cảnh già hóa dân số trước mắt. Nâng cao hiệu quả công việc của đội ngũ điều dưỡng viên là ưu tiên hàng đầu hiện nay, cùng với đó là cải thiện chất lượng công việc, cuộc sống để thu hút nhân sự cho ngành nghề cấp thiết này trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn