Vì sao thủ khoa xuất sắc chưa chắc đã thành danh, thành công?

Thứ tư - 14/07/2021 22:57
Những cựu sinh viên thành danh theo nghĩa phát huy được năng lực sáng tạo, khẳng định bản thân trên đường đời không phải đều là những thủ khoa xuất sắc.
Vì sao thủ khoa xuất sắc chưa chắc đã thành danh, thành công?

“Học thật, thi thật, nhân tài thật” là một trong những câu chuyện đang được bàn luận sôi nổi trong thời gian qua. Thế nhưng, nhận diện sao cho đúng về việc "học thật, thi thật" là một vấn đề cần phải làm rõ.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói rằng, bản chất vấn đề học thật thi thật là phải học và dạy học như thế nào, học để làm gì, dạy để giúp người học làm được gì hay chỉ để người học thi đạt điểm cao?

Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Ở Việt Nam mình lâu nay, dạy và học thường lấy mục tiêu là đạt điểm cao trong kỳ thi cử, học miệt mài cũng vì ngày mai đi thi, người dạy cũng nhấn mạnh nội dung nào có trong chương trình thi, ôn luyện học thêm cũng chỉ xoay quanh vấn đề sẽ thi cái gì và làm bài thi như thế nào để lấy được điểm 9, điểm 10.

Người học phải học rất nhiều, từ học chính khóa đến học thêm, học ngày học đêm, quá trình thi cử cũng làm rất chặt và vô cùng áp lực. Nhưng tất cả chỉ để thi và làm bài đạt điểm cao rồi dừng lại ở đó, còn việc thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, định hướng cuộc sống ra sao thì chúng ta không hướng tới.

“Từ bậc tiểu học, phổ thông đến đại học, học sinh của chúng ta đều phải học rất nhiều, lượng kiến thức nhiều vô kể. Những kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông,...đều được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ. Chúng ta có xảy ra tiêu cực trong thi cử nhưng đó vẫn là những hiện tượng rất nhỏ. Vì vậy, nếu xét theo đúng nghĩa thì rõ ràng chúng ta đã học thật, học rất nặng, rất nhiều và thi thật. Tuy nhiên, bản chất của ‘học thật, thi thật’ là gì có lẽ cần phải được hiểu một cách thấu đáo hơn.

Thầy cô, bố mẹ cứ đôn đốc các em học đi, phải học thêm, phải luyện nhiều để giải phương trình,giải bài toán khó để lấy điểm 10, nhưng điểm số cao để làm gì nếu như các em không hiểu được bản chất của các phương trình và bài toán đó, nó có những quan hệ và ứng dụng thế nào trong cuộc sống?

Chúng ta thường thấy ở nhiều quốc gia, học sinh không không phải học quá nhiều, chương trình không quá nặng, các em được vừa học vừa chơi, được trải nghiệm nhiều từ các môn kỹ thuật, các trải nghiệm xã hội chứ không chỉ cắm mặt vào sách vở, nhưng như vậy không có nghĩa là học không thật.

Học thật là việc học tập đó sẽ mang lại lợi ích gì cho người học, có giúp người học biến kiến thức thành nhận thức và thay đổi hành vi hay không? Hành vi thay đổi đó sẽ đóng góp gì cho cuộc sống, con đường sự nghiệp của mỗi người và giúp ích như thế nào cho xã hội”, Giáo sư Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo thầy Hoàng Văn Cường, mục đích cuối cùng của việc học là biến tri thức thành hành động, học để thay đổi kỹ năng hành nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.

UNESCO đã đề ra mục đích của việc học là “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình".

Học để biết là thay đổi về mặt trí tuệ, nhận thức; học để làm là thay đổi hoạt động, thay đổi hành vi, và rèn luyện được những kỹ năng cần thiết; Học để chung sống là anh phải có khả năng kết nối, tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Cuối cùng học để trở thành con người chân chính, những con người có giá trị và đóng góp cho cuộc sống này.

“Một người có giá trị, một người thành công không có nghĩa anh phải đạt chức cao vọng trọng. Người thành công có ở bất kỳ vị trí nào, nghề nghiệp nào, khi mà họ đã được sống và làm việc với tất cả đam mê, năng lực, sở trường để không chỉ bản thân mãn nguyện với công việc của mình mà còn được mọi người đánh giá ghi nhận thành quả từ việc làm và đóng góp của anh ta.

Để đạt được điều đó không phải tự nhiên mà có, mỗi người đều phải học từ sách vở, học trong nhà trường, học ngoài xã hội, bạn bè, đồng nghiệp và phải luôn tự mình đúc rút ra những bài học bổ ích làm thay đổi cho riêng bản thân mình.

Và như vậy, bản chất của việc học thật thi thật phải bắt đầu từ việc dạy để hướng cho người học đạt đến mục tiêu gì và mỗi người học phải dần xác định được cho mình mục tiêu riêng, dần dần tự họ tích lũy các kiến thức kỹ năng phù hợp với bản thân mình cần.

Thi thật không có nghĩa anh phải làm bài thi nghiêm túc, đạt điểm cao mà phải đánh giá xem những điều đã học có giúp gì làm thay đổi nhận thức và hành động của người học, để họ tiếp cận gần mục tiêu, thông qua đánh giá năng lực thực hành các kiến thức học được biến thành kỹ năng cuộc sống.

Tôi cho rằng thi cử không quan trọng, quan trọng là quá trình học tập đó giúp con người thay đổi được gì? Kiến thức nhiều, điểm số cao sẽ vẫn là vô nghĩa nếu anh không ứng dụng được vào thực tiễn”, Giáo sư Cường nhận định.

Thi cử không thay thế được đánh giá trong quá trình học tập

Giáo sư Hoàng Văn Cường cho biết, hướng đến "học thật thi thật" thì hoạt động dạy học phải thực chất, muốn vậy, phải thay đổi đánh giá trong quá trình học tập.

Trở lại với câu chuyện học sinh ngồi nhầm lớp, dù học sinh có lưu ban, hay học sinh ngồi nhầm lớp thì đó đều là những câu chuyện không mong muốn của giáo dục.

“Chúng ta dạy học mà không có đánh giá, rồi đến cuối kỳ, cuối năm tổ chức thi và đánh trượt học sinh. Vì thế mới sinh ra những học sinh lưu ban, nếu chạy theo thành tích thì lại để các em ngồi nhầm lớp.

Đánh giá là cả một quá trình, nghĩa là trong từng giai đoạn học tập, thầy cô phải đánh giá năng lực học sinh, nếu học sinh chưa đạt được như mực tiêu năng lực cần có thì phải hỗ trợ ngay, giúp các em từng bước hoàn thiện.

Qua kiểm tra thầy phát hiện có em học sinh đọc được nhưng không viết được, thầy phải chú ý kèm thêm em này về kỹ năng viết; nhưng có em viết được, đọc lại yếu thì chú ý kèm thêm về kỹ năng đọc. Có nghĩa là thông qua đánh giá để phát hiện năng lực của người học đã đạt được đến đâu, cần hỗ trợ thêm mặt nào. Nếu làm được như thế sẽ không còn câu chuyện ngồi nhầm lớp nữa.

Đánh giá rất quan trọng, đánh giá giúp phát hiện các tố chất thiên hướng của mỗi cá nhân, đánh giá thúc đẩy mỗi người hoàn thiện bản thân, phát triển các mặt mạnh và khắc phục các điểm yếu chưa hoàn thiện bằng hỗ trợ, bồi dưỡng tiếp, quá trình đánh giá nhằm mục đích giúp con người ta hoàn thiện”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.

Theo Giáo sư Hoàng Văn Cường, nếu hiểu đúng bản chất và mục tiêu đánh giá thì không chỉ giúp người học phát huy hết khả năng vượt trội của bản thân mà còn tự do suy nghĩ, sáng tạo trong việc chuyển hóa từ kiến thức bài học thành hiểu biết và tri thức cá nhân. Từ đó, buộc người dạy phải thay đổi căn bản hành vi dạy học. Khi đó, người dạy không thể cố nhồi nhét bắt học sinh học những cái để đi thi mà phải cung cấp cho người học những kiến thức học sinh cần cho thay đổi nhận thức và hình thành kỹ năng, hành vi mong muốn. Đó chính là điều cần thay đổi căn bản trong cả dạy và học ở mọi cấp học ở nước ta.

Nền giáo dục Việt Nam còn quá nặng về thi cử, người dạy cũng như người học chỉ chú tâm xem đề thi ra nội dung gì thì mình học cái đó, “cày” kiến thức rất kĩ để thi lấy điểm cao, nhưng thi xong không biết để làm gì.

Ngay trong các trường đại học cũng vậy, những sinh viên có kết quả điểm thi cao xếp loại xuất sắc nhưng chưa chắc đã là những người có khả năng làm việc tốt nhất khi đi làm. Hằng năm các trường đều vinh danh thủ khoa xuất sắc, nhưng những cựu sinh viên thành danh theo nghĩa phát huy được năng lực sáng tạo, khẳng định bản thân trên đường đời không phải đều là những thủ khoa xuất sắc.

Để thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, thì cả việc dạy và học từ trong trường phổ thông đến các trường đại học đều phải hướng mỗi người trả lời thỏa đáng câu hỏi học để làm gì chứ không phải học vì điểm số, để vượt qua một kỳ thi”, Giáo sư Hoàng Văn Cường khẳng định.

Theo giaoduc.net.vn

Tác giả bài viết: Phòng Tuyển sinh - Truyền thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây