Số mắc cúm tăng nhanh, không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt là Tamiflu

Thứ tư - 27/07/2022 05:36
Số mắc cúm tăng nhanh, không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt là Tamiflu

Liên hệ với một địa chỉ bán thuốc Tamiflu 75mg theo số điện thoại 0904831XXX, PV Báo Sức khoẻ & Đời sống được biết hiện giá thuốc được bán 700.000đ/hộp, nghĩa là mỗi viên 70.000 đồng, cao hơn nhiều so với giá cách đây vài tuần.

 

Mặc dù trái mùa song tại Hà Nội, số ca mắc cúm A đang tăng mạnh. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm. 

Nếu như từ tháng 1-4/2022, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng thì từ tháng 5/2022, số mắc tăng cao. Đặc biệt trong tháng 6/2022 ghi nhận có đến 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca). 

Trong hai tuần đầu tháng 7, riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. Con số này lớn hơn cả số ca nghi nhiễm cúm cả 6 tháng đầu năm cộng lại tới khám ở viện này.
Trong số này, hơn 35% bệnh nhân (tương đương 375 ca) có kết quả test nhanh dương tính với cúm. Đặc biệt, có tới 366 ca dương tính với cúm A.

Số mắc cúm A đang tăng mạnh với một số ca biến chứng nặng khiến người dân lo lắng. Nhu cầu của người dân tăng đột biến, giá thuốc Tamiflu và kit xét nghiệm cúm A tại Hà Nội vì thế cũng gia tăng.

Trước tháng 7, thuốc Tamiflu trên thị trường có giá bán phổ biến khoảng 450.000 đồng/hộp, đến nửa đầu tháng 7 đã tăng lên 520.000 đồng/hộp. 

Liên hệ với một cửa hàng bán thuốc Tamiflu có rao bán trên mạng với giá 900.000 hộp 10 viên Tamiflu 75mg theo số điện thoại 0904831XXX, PV Báo Sức khoẻ & Đời sống được biết hiện giá thuốc được bán 700.000đ/hộp, nghĩa là mỗi viên 70.000 đồng.

"Bán sỉ hết rồi, tôi chỉ còn đúng 1 hộp thôi, không có mà bán" - người bán xưng có cửa hàng thuốc sỉ ở gần Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2 thông tin. 

Số mắc cúm tăng nhanh, không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt là Tamiflu - Ảnh 2.

Một địa chỉ rao bán thuốc Tamiflu với giá 900.000 đồng/hộp

Tại nhiều cửa hàng thuốc khác, người bán hàng cho hay giá thuốc tăng cao không phải do hãng cung cấp tăng giá mà do tình trạng các mối buôn ôm hàng, tác động tới thị trường.

Cùng với thuốc Tamiflu, kit xét nghiệm cúm A cũng đang là mặt hàng "hot" được rao bán nhiều trên các chợ thuốc online. Trên các sàn thương mại điện tử, test nhanh kháng nguyên virus cúm A/B được rao với giá từ 70.000 đến 110.000 đồng/ kit test. Tại các hiệu thuốc, lượng khách hỏi mua mặt hàng này cũng tăng đột biến.  

Không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt là Tamiflu

Cúm là bệnh thông thường, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. ThS.BS Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai, cho hay một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng như co giật, tổn thương gan, thận, phổi, gây tử vong nhanh do suy hô hấp và viêm cơ tim,...

"Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị virus cúm tấn công nhất. Ngoài ra, cần lưu ý những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…" – BS Kiên nói.

Mùa cúm năm 2022 đến sớm hơn mọi năm, thậm chí trái mùa. Lượng bệnh nhân tăng nhanh, vị bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc điều trị như Tamiflu.  

Thực tế, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Hơn thế, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân cúm chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân tiêm vaccine cúm mùa hàng năm với người từ 6 tháng tuổi trở lên; hầu hết các chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh.

Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Theo SKĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây