Online liên tục để quản lý lớp học
Cô Nguyễn Thanh Hòa, giáo viên môn Lịch Sử trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, ngoài việc soạn giáo án online, cô cũng vừa làm chủ nhiệm lớp. Chính vì thế, dù ở nhà nhưng thời gian dành cho lớp học trực tuyến còn nhiều hơn thời gian chăm sóc con. Với việc học online, điều quan trọng nhất vẫn là khiến cho học sinh cảm thấy hứng thú và nắm bắt bài học tốt hơn, cô Hòa cũng như nhiều thầy cô giáo khác phải đầu tư nhiều thời gian, làm mới mỗi bài học, mỗi tiết học. Chưa kể giáo viên còn phải giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh và rất nhiều công việc không tên khác.
Cô Hòa chia sẻ: “Một ngày tôi nhận hàng trăm tin nhắn cũng như các cuộc điện thoại gọi đến liên tục, chủ yếu là phụ huynh và học sinh. Chủ yếu liên quan đến phần mềm học trực tuyến, bị lỗi, không vào được hoặc con đang làm kiểm tra bị out ra”.
Còn cô giáo Hoàng Thu Hà, chủ nhiệm lớp 3 tại một trường tiểu học ở TP. Thủ Đức cho hay, ngoài thời gian dạy học trực tuyến, các giáo viên như cô sau mỗi buổi học lại phải lập danh sách, báo cáo tình hình của từng học sinh, liên lạc với phụ huynh nếu học sinh không thể vào lớp học để có phương án xử lý. Đồng thời, trong quá trình học cũng gặp phải những sự cố như giáo viên giảng mà học sinh không nghe được, phần mềm học trực tuyến thao tác khó khăn do mạng không ổn định. Do đó giáo viên sẽ mất thêm nhiều thời gian hơn để giảng lại bài, thời gian mỗi tiết thay vì chỉ từ 20-25 phút, có khi kéo dài 35 phút hoặc hơn.
Cô Hà nói: “Việc dạy và học online rất vất vả, phải soạn giáo án, cắt ghép hình ảnh để ra một giáo án đẹp. Ngoài việc dạy ra người giáo viên cũng phải vững về công nghệ thông tin chứ chậm chạp, không thành thạo cũng không dạy được”.
Với thầy giáo Nguyễn Tuấn Minh, giáo viên cấp 3 môn Hóa học tại huyện Bình Chánh, việc chuẩn bị giáo án cũng mất nhiều thời gian hơn bởi các bài giảng đều phải làm mới, thậm chí làm việc kể cả ngày cuối tuần để chuẩn bị kịp cho tuần tiếp theo. Với đặc thù môn học này, thầy Minh phải tìm các tình huống trên thực tế để làm ví dụ cho học sinh dễ hiểu, thường xuyên tìm các bài tập phù hợp và luôn túc trực điện thoại để có thể giải đáp cho học sinh kịp thời.
Thầy Minh tâm sự: “Chắc chắn là thời gian 1 tiết dạy online rút ngắn lại nên tôi bắt buộc phải sử dụng các phần mềm bổ trợ thêm để hỗ trợ các em trong quá trình học. Trên lớp tôi chỉ có một số ví dụ, các em không thể nào tưởng tượng và nắm rõ được tất cả các dạng có thể xảy ra thì hệ thống bài tập lúc này sẽ là một phần hỗ trợ quá trình lĩnh hội kiến thức của các em”.
Cần sự chia sẻ và đồng hành
Cô Nguyễn Thị Thế Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 tại trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8) kể, khi dạy online, buổi sáng lớp học bắt đầu từ 7h, chiều cô sẽ tiếp tục chuẩn bị giáo án trực tuyến cho ngày hôm sau, tối thì sẽ chấm bài cho học sinh. Thậm chí có những hôm phải thức rất khuya để chờ phụ huynh gửi bài, do nhiều phụ huynh đi làm ban ngày, tối đến mới có thời gian kèm con học và trao đổi với cô giáo.
Chưa kể khi học online, có những em những tuần đầu học rất hào hứng, nhưng sau đó lại không tập trung và khi cô giáo gọi đến thì trốn mất, các cô cũng phải động viên rất nhiều thì học sinh mới quay trở lại lớp học. Còn rất nhiều tình huống khác gặp phải khi học online như cô đang giảng bài, học sinh xin đi vệ sinh, ăn sáng hay thậm chí phụ huynh thay áo cho con mà chưa tắt camera. Có những lúc cô Loan vừa làm giáo viên vừa kiêm luôn vai trò là phụ huynh kèm con học.
Cô Loan kể: “Bé nhỏ nhất nhà mình học lớp 2, ngồi học cùng với mẹ, con học cô giáo khác thì mẹ dạy, thấy thương lắm, nhiều khi phải nói với con rằng mẹ giải quyết xong việc của các bạn xong rồi mới đến lượt con. Bây giờ thành phố đã nới lỏng giãn cách rồi nhưng cô vẫn chưa bước chân ra khỏi nhà vì không có thời gian”.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (Quận 10), việc học trực tuyến hiện nay vẫn còn mới với nền giáo dục Việt Nam, đa số thầy cô ít được tập huấn và điều kiện cơ sở vật chất như máy tính, mạng internet của nhiều giáo viên vẫn chưa đáp ứng được. Đường truyền học trực tuyến không ổn định cũng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình dạy và học. Hiện nay các thầy cô vừa giảng dạy trực tuyến vừa chia sẻ, học hỏi lẫn nhau để có những cách làm hay, có các bài giảng sinh động, hấp dẫn và bổ ích. Chính vì vậy, các giáo viên rất cần sự chia sẻ, đồng cảm của các bậc phụ huynh.
“Thầy cô mình rất vất vả, nhất là thầy cô không rành về công nghệ thì bội phần vất vả hơn. Tất cả giáo viên hiện nay lao động miệt mài và dành rất nhiều thời gian công sức cho một tiết học trực tuyến”, thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay.
Dịch bệnh xảy đến bất ngờ, việc dạy học qua mạng là cần thiết, song không tránh khỏi khó khăn cho cả người dạy lẫn người học. Hơn ai hết, thầy cô vẫn là những người vất vả nhất. Họ vẫn đang miệt mài tự học hỏi, tự hoàn thiện những kỹ năng tương tác trong lớp học ảo, tự khắc phục những lỗi kĩ thuật trong quá trình dạy học trực tuyến vốn chưa được đào tạo kỹ lưỡng trong trường sư phạm. Sự nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của các thầy cô giáo rất đáng được trân trọng, cần sự đồng cảm của mọi người, chia sẻ những trăn trở, cũng như những áp lực của người thầy trong giai đoạn khó khăn hiện nay./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn