"Tiêm filler chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai. Filler là chất không phù hợp để tiêm vào vùng ngực và mông. Việc cố tình sử dụng filler tiêm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường" - TS. Tống Thanh Hải, Bệnh viện bỏng Quốc gia nói.
Sở Y tế TP.HCM thông tin, ngày 27/6, Sở nhận được báo cáo nhanh từ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh về một trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Bệnh nhân là một phụ nữ (sinh năm 1996, tại Cà Mau), sau khi tiêm dung dịch nâng ngực người bệnh rơi vào tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch, huyết áp bằng không và tử vong sau đó.
Thông tin ban đầu cho biết, nạn nhân thực hiện thẩm mỹ nâng ngực tại một khách sạn trên địa bàn quận 10 (khách sạn DONA địa chỉ 783 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10). Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Quận 10 thụ lý điều tra.
Nạn nhân L. được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Từ kinh nghiệm chuyên môn, TS. Tống Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia đưa ra nhận định, nguyên nhân tử vong của nạn nhân có thể do sốc phản vệ, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm gặp, khả năng cao là do phù phổi cấp (thuyên tắc mạch phổi).
TS. Tống Thanh Hải đặc biệt nhấn mạnh: "Tiêm filler chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai. Filler là chất không phù hợp để tiêm vào vùng ngực và mông. Việc cố tình sử dụng filler tiêm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Trường hợp nhẹ thì sưng đỏ, bầm tím, đau, dị ứng (ngứa, phát ban) vùng ngực, vùng mông. Trường hợp nặng thường xảy ra khi filler bị tiêm vào mạch máu, động mạch dẫn đến tắc mạch, hoại tử mô xung quanh vùng ngực, tuyến núm vú, gây biến dạng ngực trầm trọng".
TS. Tống Thanh Hải - Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia.
Cũng theo TS. Hải, khi tiêm filler vào tĩnh mạch, filler sẽ theo về phổi gây thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp, suy hô hấp, dẫn đến tử vong. Trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ khá hiếm gặp nhưng có thể gây nhiễm trùng nặng gây hoại tử vùng ngực (hoại tử tuyến sữa, mô mềm, da, núm vú) hay nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong (biến chứng muộn).
Theo chuyên gia, hiện nay có quá nhiều trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp quảng cáo "thần thánh hóa" về công dụng của chất làm đầy filler, đáp ứng được nhu cầu đẹp ngay lập tức, không cần phải phẫu thuật của khách hàng. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ về dịch vụ làm đẹp cũng khiến nhiều chị em bị mắc bẫy.
TS. Tống Thanh Hải đưa ra khuyến cáo: "Khi có nhu cầu nâng cấp vòng 1, chị em cần xác định rõ mục tiêu của bản thân. Chọn đúng những cơ sở thẩm mỹ có kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ làm đẹp uy tín, hỏi rõ chuyên gia những vấn đề còn thắc mắc, đặc biệt về nguy cơ biến chứng. Sau quá trình can thiệp, cần theo dõi xa những vấn đề có nguy cơ gây tác động đến cơ thể.
Bên cạnh đó, các chất làm đầy sẽ được cơ thể chuyển hóa và hấp thu từ từ nên không cần phải tiến hành test trước khi dùng. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ biến chứng, chị em nên sử dụng các chất làm đầy được FDA, Bộ Y tế cấp phép và cung cấp bởi các chuyên gia, công ty dược và nhà thuốc phân phối".
Nguồn tin: Suckhoedoisong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn