Ngày 22/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo mối đe dọa của bệnh sốt xuất huyết, sau khi căn bệnh do muỗi lây truyền này xuất hiện tại các nước chưa từng bị ảnh hưởng trước đây, khiến số ca mắc trên toàn thế giới trong năm nay vượt 5 triệu người, trong đó có tới trên 5.000 người tử vong.
Phát biểu tại cuộc họp hằng tuần của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Diana Rojas Alvarez, trưởng nhóm nghiên cứu của WHO về arbovirus (virus lây truyền qua động vật chân đốt), nhấn mạnh gần 80% số ca mắc, tương đương khoảng 4,1 triệu người, được ghi nhận ở châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Theo bà, biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân dẫn tới số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao do mưa nhiều, độ ẩm và nhiệt độ tăng cao hơn, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Bà Alvarez cho rằng mối đe dọa này cần có "sự quan tâm và phản ứng tối đa" của tất cả các cấp trong WHO nhằm hỗ trợ các nước kiểm soát đợt bùng phát sốt xuất huyết hiện nay, cũng như chuẩn bị cho mùa sốt xuất huyết sắp tới.
Tháng 11 vừa qua, giới chuyên gia cũng cảnh báo nắng nóng cực đoan và mưa bất thường, do tác động của biến đổi khí hậu, đang làm gia tăng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại nhiều khu vực rộng lớn ở châu Á. Cụ thể, Bangladesh ghi nhận số ca tử vong lên tới trên 1.000 người, trong khi Đài Loan (Trung Quốc) chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh quy mô lớn kể từ năm 2015. Đáng chú ý, nếu trước đây, bệnh sốt xuất huyết từng được coi là một căn bệnh lưu hành chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đã ghi nhận ca mắc bệnh này.
Thống kê của WHO cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết lên mức kỷ lục 5,2 triệu người trong năm 2019, gấp 10 lần so với năm 2000.
Mặc dù 4 tỷ người trên thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, song hầu hết những người mắc bệnh thường hồi phục trong từ 1 - 2 tuần. Những người mắc sốt xuất huyết nặng có biểu hiện sốc, chảy máu hoặc suy tạng nghiêm trọng, dẫn tới tử vong. Hiện chưa có thuốc kháng virus hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này.
Nguồn:https://baomoi.com/who-canh-bao-moi-de-doa-cua-benh-sot-xuat-huyet-c47892296.epi?utm_source=dapp&utm_medium=zalochat&utm_campaign=share
Tác giả bài viết: Ngọc Hà (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn