Sốt, đau đầu, mệt mỏi là dấu hiệu chính của cúm A/H1N1, đa số người bệnh tự khỏi, nhưng nhóm trẻ em và người già nên cẩn trọng.
Ngày 22/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận nhiều học sinh trong một lớp ở trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, mắc cúm A/H1N1. Triệu chứng chính của các em là sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, nôn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết cúm A/H1N1 là một loại virus lây lan từ người sang người, tỷ lệ mắc cao, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, nguy cơ tử vong.
Người bệnh thường có các triệu chứng giống chủng cúm mùa khác như sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, đau viêm họng, nhức đầu, ho, sổ mũi, mệt mỏi, suy nhược. Do có dấu hiệu giống cảm cúm thông thường, bệnh chỉ được chẩn đoán chính xác qua xét nghiệm dịch mũi họng.
Cúm A/H1N1 có thể lây qua đường hô hấp, tức dịch tiết, giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi văng bắn ra ngoài môi trường; hoặc lây theo đường tiếp xúc, khi vô tình chạm tay vào các bề mặt chứa virus, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể nhiễm virus.
Hầu hết người bệnh hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị, nhưng cũng có trường hợp nhập viện với biểu hiện nặng và tử vong. Nhóm dễ gặp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai, người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Các triệu chứng nặng gồm khó thở, viêm phổi, suy hô hấp, co giật.
Người có nguy cơ cao mắc cúm nặng là trẻ dưới 5 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên. Ảnh: Johns Hopkins Medicine.
Để phòng ngừa, bác sĩ Khanh khuyến cáo mỗi người cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi đi ra ngoài về, trước ăn và sau đi vệ sinh. Khi hắt hơi, ho cần dùng khuỷu tay che miệng, mũi, tránh dịch tiết bắn ra xung quanh.
Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm. Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng, sàn nhà, bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
Mọi người theo dõi sát sức khỏe của bản thân và gia đình, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng trong đợt dịch cần đi khám ngay tại cơ sở y tế để được cách ly. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa ca tử vong.
"Cách tốt nhất để phòng tránh cúm là chủng ngừa vaccine cúm mỗi năm. Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại", ông Khanh khuyên.
Theo VN Express
Tác giả bài viết: Phòng Tuyển sinh và Truyền thông
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn