Những sự kiện giáo dục đáng chú ý nhất năm 2021

Thứ sáu - 31/12/2021 23:51
Những sự kiện giáo dục đáng chú ý nhất năm 2021

Năm 2021 trôi qua với nhiều sự kiện ghi dấu ấn trong ngành giáo dục. Đặc biệt là những vụ việc gây tranh cãi như đề thi Sinh học tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Tuất... khiến dư luận xôn xao.

Đề thi Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra vào tháng 7, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) chỉ ra buổi tổng ôn trọng tâm đêm cuối trước ngày thi cho 4.000 thí sinh khóa VIP của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh giống đến 80% đề thi thật do Bộ GDĐT công bố. Thầy Hiền đặt nghi vấn về "sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một lý do nào khác?".

Nhìn lại những sự kiện giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2021 - Ảnh 1.

Phần ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ giống với đề thi môn Sinh tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh chụp màn hình

Sau nhiều tháng tưởng vụ việc "chìm" xuống, chiều 23/11, Bộ GDĐT có thông tin chính thức liên quan đến đề thi môn Sinh học. Theo đó, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thông qua công tác quản lý, giám sát của Bộ cũng như nắm bắt các thông tin, ý kiến từ dư luận, Bộ đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ngay khi có thông tin, tháng 8/2021, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra vấn đề này. Bộ đã chủ động phối hợp cùng cơ quan công an thành lập Tổ công tác liên ngành để xác minh, làm rõ các yếu tố liên quan đến sự trùng lặp giữa nội dung ôn thi môn Sinh học của một giáo viên ở Hà Tĩnh với đề thi tốt nghiệp THPT môn này.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định.

Cô Nguyễn Thị Tuất tố bị trù dập

Một vụ việc cũng gây tranh cãi trong năm 2021 là vụ cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường tiểu học Sài Sơn B, huyện Quốc Oai, Hà Nội gửi đơn tố cáo học sinh khối 5 do cô giảng dạy liên tục quậy phá, hành hung.

Trong đơn, cô Tuất khẳng định mình là giáo viên có chuyên môn, năng lực, nhiều năm liên tiếp là Chiến sĩ thi đua, nhiều phụ huynh tha thiết cho con được theo học ở lớp cô dạy. Thế nhưng cô liên tục bị một số giáo viên đứng sau kích động phụ huynh làm đơn không cho con theo học lớp cô.

Cô Nguyễn Thị Tuất tố học sinh quậy phá, hành hung. Ảnh: Đ.N

Năm học 2018-2019 chỉ có khoảng 3-4 phụ huynh làm đơn xin không cho học cô Tuất. Đến cuối năm 2019 có tới 25 phụ huynh làm đơn không đồng ý cho cô giáo theo lớp.

Năm học 2020-2021, cô không được xếp chủ nhiệm lớp mà dạy môn Lịch sử, Địa lý, vốn không phải thế mạnh của cô. Cô Tuất cũng khẳng định, Ban giám hiệu đứng đằng sau dựng chuyện kích động phụ huynh không cho con học lớp của cô.

Theo kết luận thanh tra của UBND huyện Quốc Oai, trong 16 nội dung phản ánh, có 5 nội dung cô Nguyễn Thị Tuất phản ánh đúng, 2 nội dung đúng một phần, 7 nội dung không đúng và 2 nội dung chưa đủ cơ sở để khẳng định.

Sách giáo khoa Khoa học Tự nhiên lớp 6 có nhiều chi tiết chưa đúng

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 học theo 3 cuốn sách Khoa học Tự nhiên là bộ Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo của NXB Giáo Dục Việt Nam. Tuy nhiên, thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đọc và phát hiện ra nhiều lỗi trong cuốn Khoa học Tự nhiên của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Nhìn lại những sự kiện giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2021 - Ảnh 3.

Sách Khoa học Tự nhiên 6 được chỉ ra có nhiều "sạn". Ảnh: NVCC

Ngoài ra, mới đây, trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Phan Văn Khôi cho biết: "Hàng triệu học sinh có thể sẽ phải tiếp thu những kiến thức chưa đúng về Mặt trăng từ cuốn sách giáo khoa Khoa học Tự nhiên 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2021". 

Nữ giáo viên uống thuốc ngủ tự tử trước hội đồng kỷ luật bị đề xuất thôi việc 

Sự việc xảy ra tại Trường THCS Hoàng Quốc Việt, quận 7, TP.HCM vào chiều 2/12, sau buổi họp kỷ luật của trường với cô Võ Thị Như Hoa, giáo viên môn ngữ văn của trường. Cô Hoa đã đến dự buổi họp và uống thuốc ngủ trước mặt Hiệu trưởng để tự tử, sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nhìn lại những sự kiện giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2021 - Ảnh 5.

Cô Hoa được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: NVCC

Cô Hoa cho biết: "Buổi họp kiểm điểm viên chức chiều 2/12 của nhà trường đối với tôi quy cho tôi ba sai phạm. Sai phạm thứ nhất là không thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng phân công, vắng mặt không phép từ ngày 18/3 đến ngày 29/10. Thứ hai là gây rối trật tự công cộng. Thứ ba là vi phạm có liên quan đến cơ quan điều tra. 

Tại cuộc họp, tôi không đồng ý với những cáo buộc vi phạm nêu trên, đồng thời đề nghị nhà trường chứng minh bằng các văn bản liên quan từ các cơ quan công quyền nhưng trường không chứng minh được. Vì quá uất ức, tôi đã uống thuốc tự tử trước mặt nhiều người tại cuộc họp". Sau đó, cô Hoa được một số người trong trường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện quận 7. 

Chiều 27/12, các thành viên Hội đồng kỷ luật cho rằng cô H. là viên chức đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, do đó đề xuất hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Bộ trưởng GDĐT có bộ trưởng mới

Sáng 8/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Nhìn lại những sự kiện giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2021 - Ảnh 6.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng Bộ GDĐT. Ảnh: MOET

Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng Bộ GDĐT.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn sinh năm 1966 tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, TP.Hải Phòng. Quá trình công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn được đánh giá là người có năng lực, trí tuệ, trình độ, phẩm chất chính trị, có tầm nhìn và biết lắng nghe.

Nhiều tỉnh thành tổ chức khai giảng online

Chưa có năm nào lễ khai giảng lại được tổ chức theo hình thức online ở nhiều tình thành trên cả nước như năm 2021. Mặc dù thầy trò không được gặp nhau trực tiếp, không tiếng trống trường, không rộn rã cờ hoa... nhưng không khí vẫn đầy nghiêm trang và háo hức. 

Nhìn lại những sự kiện giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2021 - Ảnh 7.

Học sinh Hà Nội khai giảng tại nhà. Ảnh: T.N

Ngay sau lễ khai giảng, học sinh nhiều tỉnh thành trên cả nước bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Cho đến nay, sau 1 học kỳ trôi qua nhiều học sinh các tỉnh như Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa được đến trường. 

"Sóng và máy tính cho em" hỗ trợ học sinh khó khăn

Tối 12/9, Lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Bộ GDĐT phối hợp, đã được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ kết nối với điểm cầu các tỉnh thành trên khắp cả nước. 

Nhìn lại những sự kiện giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2021 - Ảnh 8.

Ảnh: MOET

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Theo danviet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây