Trường nghề dạy thực hành mùa dịch: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

Thứ ba - 15/06/2021 22:08
Trường nghề dạy thực hành mùa dịch: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

 Nội dung thực hành thường chiếm đến 70% chương trình giảng dạy của các trường nghề, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đã làm "đóng băng" các tiết thực hành trực tiếp.

"Vạn biến" phương pháp, cách thức, hình thức tổ chức dạy thực hành

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, hoạt động đào tạo của cơ sở GDNN nói chung và của nhà trường nói riêng bị ảnh hưởng rất lớn.Trao đổi với PV Dân trí, NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh - Phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay, với các môn học thì có thể giảng dạy 100% thời lượng chương trình theo hình thức trực tuyến vẫn đảm bảo chất lượng, nhưng đối với các Mô đun (chiếm khoảng 70% thực hành) thì hoạt động đào tạo để đảm bảo được mục tiêu gặp rất nhiều khó khăn."Trước những thách thức như vậy, quan điểm chỉ đạo của tôi là "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Ở đây "bất biến" là: chất lượng, mục tiêu mô đun/môn học, tiến độ đào tạo không đổi; còn "vạn biến" là phương pháp, cách thức, hình thức tổ chức đào tạo… Quan điểm này đã được quán triệt đến toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, phụ huynh để chung sức chung lòng cùng nhau thực hiện, tìm ra các giải pháp phù hợp nhất", TS. Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh.


Trường nghề dạy thực hành mùa dịch: Dĩ bất biến, ứng vạn biến - 1


Dịch bệnh Covid-19 đã làm "đóng băng" gần như toàn bộ các tiết thực hành trực tiếp ở các trường nghề.
 
 

Theo TS. Phạm Xuân Khánh, một số giải pháp ban đầu nhà trường đã thực hiện và đạt được kết quả rất khả quan. Qua nghiên cứu đã xây dựng và ban hành Quy chế đào tạo trực tuyến, Quy định số 913/QĐ-CNCHN, ngày 01/9/2021 của Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Nội dung tập trung vào đẩy nhanh việc số hóa các nội dung, môn học, mô đun phù hợp để thực hiện đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp phục vụ công tác giảng dạy cả trong và sau dịch bệnh.

Phát động phong trào thiết kế các bài giảng điện tử, cấp bộ môn, cấp khoa, cấp trường. Thông qua hoạt động này giảng viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng các công nghệ, phần mềm để,… thiết kế bài giảng điện tử khắc phục các nội dung thực hành trong các mô đun.
 

Trường nghề dạy thực hành mùa dịch: Dĩ bất biến, ứng vạn biến - 2

Giáo viên thực hành và quay lại clip giảng dạy trực tuyến cho sinh viên tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

 

 

"Mặt khác, nhà trường đã điều chỉnh tiến độ đào tạo, liên hệ tìm các doanh nghiệp cho một số lớp học sinh sinh viên đi đào tạo, thực tập tại doanh nghiệp, rút ngắn thời gian nghỉ hè. Hướng dẫn cho học sinh sinh viên các kỹ thuật ứng dụng CNTT trong hoạt động học trực tuyến, đặc biệt là hoạt động thực hành. Thông báo đến phụ huynh học sinh để cùng phối hợp trong hoạt động đào tạo trực tuyến, như: cung cấp trang thiết bị, quản lý thời gian học…", ông Khánh chia sẻ.

Do thực hiện kịp thời và đồng bộ các giải pháp trên nên mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường được lựa chọn làm khu cách ly tập trung nhưng kế hoạch, tiến độ và chất lượng đào tạo của trường vẫn được đảm bảo.

Tốn kém công sức, vật tư, tài chính và thời gian dựng video mô phỏng 

Thầy Chu Đức Khoan, Trưởng Khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, các tiết dạy thực hành nghề trực tiếp của thầy và các đồng nghiệp gần như phải ngưng vì dịch bệnh.

Để dạy online trong mùa Covid-19, nhà trường đã nhanh chóng triển khai việc sử dụng trang bị thiết bị công nghệ giảng dạy online với hệ thống thiết bị máy móc hiện đại mô phỏng cho các chuyên ngành, nghề liên quan đến hướng dẫn kỹ năng thực hành nghề…

Bên cạnh đó, việc dạy thực hành nghề online cũng gặp một số khó khăn như việc tiếp thu kỹ năng nghề còn hạn chế, giáo viên giảng dạy chỉ truyền tải các kỹ năng hướng dẫn mẫu bằng cách mô phỏng qua video (Giáo viên thao tác mẫu trực tiếp trên các thiết bị, dụng cụ vật tư thật và quay video lại để cho học sinh quan sát, sau đó cho học sinh xem video rồi thầy trò cùng quan sát và tương tác).

Việc dựng video mô phỏng gây tốn kém về công sức, vật tư, tài chính và thời gian. Và phải có thiết bị quay tốt, phòng quay tốt thì chất lượng video và âm thanh mới đảm bảo.

Theo thầy Khoan, để có được kỹ năng tốt nhất trong thực hành nghề thì học sinh phải được thực hành trực tiếp trên thiết bị dụng cụ vật tư thực, giáo viên hướng dẫn và cầm tay chỉ việc cụ thể. Để giải quyết được vấn đề này, trong từng bài giảng thực hành, giáo viên phải giảng dạy với thời gian dài hơn để hướng dẫn các em tiếp thu được những kỹ năng cơ bản.

Nhà trường và giáo viên đã không ngại đầu tư tăng thêm vật tư thực hành để hoàn thiện sản phẩm và có đội ngũ quay video để mô phỏng kỹ năng.

"Ví dụ, bài giảng về lắp đặt điều hòa không khí thì chúng tôi phải thực hiện các kỹ năng lấy dấu lắp đặt cục nóng, lấy dấu lắp đặt cục lạnh, kỹ thuật uốn ống, loe ống đồng, và kỹ năng siết bắt rắc co, kỹ năng đấu nối dây điện, ống nước…

Đồng thời, trong mùa dịch này lại phải có thêm đội ngũ quay video dựng phim và biên tập thành video hoàn chỉnh để truyền tải cụ thể nhất từng kỹ năng từng việc cho học sinh hiểu được, thao tác được kỹ năng đó".
 

Trường nghề dạy thực hành mùa dịch: Dĩ bất biến, ứng vạn biến - 3

Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ đã nhanh chóng triển khai việc sử dụng trang bị thiết bị công nghệ giảng dạy online với hệ thống thiết bị máy móc hiện đại mô phỏng cho các chuyên ngành.

 

Những vấn đề, những kỹ năng còn vướng, sẽ được thầy và trò tiếp tục tương tác để học sinh hiểu hơn về từng kỹ năng thực hành.

Cô Phan Thị Kim Thương, Giảng viên Khoa Cơ khí Động lực, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ cho biết, hiện nay lựa chọn công việc trong lĩnh vực công nghệ ô tô đã trở thành sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ yêu kỹ thuật trong tình hình nhu cầu sử dụng và số lượng ô tô gia tăng mạnh mẽ.

Công nghệ kỹ thuật ô tô gắn liền với những hệ thống, chi tiết máy móc, thiết bị phức tạp, tinh vi nên đòi hỏi cao về tính quy trình, sự chuẩn xác.

Do vậy người học cần, có sở thích, có niềm đam mê và phải yêu thích ô tô. Chỉ khi nào thực sự yêu thích ô tô, muốn được làm việc cùng với sản phẩm công nghệ này thì bạn mới có thể đủ động lực để tiếp thu kiến thức, nâng cao chuyên môn và vững vàng vượt qua những khó khăn đặc thù của nghề một cách say mê, nhiệt huyết.

Ô tô là tổng hợp của sự lắp ghép hàng vạn chi tiết cơ khí, linh kiện điện tử…đồng thời là sự kết hợp của hệ thống cơ khí và hệ thống điều khiển. Do vậy, chỉ cần thiếu cẩn thận, làm việc không nghiêm túc có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng về kỹ thuật, từ đó có thể gây ra hậu quả rất lớn về con người và kinh tế… Bởi thế nên việc dạy thực hành "cầm tay, chỉ việc" cực kỳ quan trọng.
 

Trường nghề dạy thực hành mùa dịch: Dĩ bất biến, ứng vạn biến - 4

Trường điều chỉnh lại chương trình trực tuyến riêng sao cho phù hợp đối với từng nghề, từng tiểu kỹ năng

 

 

Khi dịch bệnh bùng phát nhà trường phải chuyển sang dạy học online. Cô Thương gặp khó trong quản lý học sinh sinh viên do mỗi em học trực tuyến ở mỗi nơi khác nhau, thiết bị học của các em cũng không đồng bộ. Giáo viên mất nhiều thời gian vào việc quản lý lớp. Khi học trực tuyến học sinh sinh viên mệt mỏi hơn vì phải quan sát và nghe giảng liên tục, sự tương tác giữa giáo viên và các em không cuốn hút.

"Đặc biệt, chúng tôi không thể thực hiện đối với các bài rèn luyện kỹ năng phụ thuộc vào thiết bị. Sự đánh giá kết quả bài giảng cũng khá khó khăn", cô Thương cho biết.

Chúng tôi đã điều chỉnh lại chương trình trực tuyến riêng sao cho phù hợp đối với từng nghề, từng tiểu kỹ năng với thời gian tối đa mỗi lần học trực tuyến 30 phút. Xây dựng phòng học trực tuyến chuẩn, có quay video lại và lưu trên trang của học sinh sinh viên để các em có thể vào xem lại bất cứ lúc nào. Xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá kết quả giảng dạy trực tuyến. Giáo viên chuẩn bị kỹ nội dung và hệ thống đánh giá kết quả ngay trong buổi học", cô Thương nói.

Cô Thương cho biết thêm, một số doanh nghiệp dù đảm bảo phòng dịch vẫn đang duy trì hoạt động. Tùy tình hình, các công ty sẽ có quy định cụ thể cho các sinh viên của trường đến thực tập trong thời gian này theo hình thức luân phiên. Các sinh viên được phân thành từng nhóm và luân chuyển lịch đến xưởng nhằm hạn chế tiếp xúc đông người.
Theo dantri.com

Tác giả bài viết: Phòng Tuyển sinh - Truyền thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chat Zalo
Chat Facebook
0899.519.666
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây