Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam

https://caodangyduocvietnam.edu.vn


Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030

Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030

Đó là mục tiêu Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, dự thảo đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền.

Mạng lưới trường nghề đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có sức cạnh tranh và sáng tạo trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tham gia hiệu quả vào thị trường đào tạo nhân lực và thị trường lao động không biên giới và đa văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Giai đoạn 2021-2025 là hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả thông qua việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hiện có và đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập.

Hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố một cách phù hợp và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động địa phương, vùng, đất nước và từng bước tham gia sâu rộng vào cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường quốc tế.
 

Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030 - 1

Dự thảo đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở.

Chỉ tiêu cụ thể sẽ giảm số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập 10% so với năm 2020 (số trường trung cấp giảm 50% so với năm 2020), phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 40% vào năm 2025; có khoảng 70 trường chất lượng cao. Trong đó, 40 trường tương đương trình độ các nước ASEAN-4; 5-7 trường tương đương trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Hệ thống ngành, nghề trọng điểm quốc gia được hình thành, trong đó 5-10 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong ASEAN-4.

Giai đoạn 2026-2030, đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tập trung vào các ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập phát triển nhanh, đa dạng về loại hình, hình thức và quy mô dựa trên nhu cầu phát triển của thị trường. 

Định hướng đến 2045

Dự thảo định hướng đến năm 2045 sẽ phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030; 100% địa phương hình thành trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh từ việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành một đơn vị sự nghiệp công lập.

Có khoảng 90 trường chất lượng cao, trong đó 50 trường tương đương trình độ các nước ASEAN-4, 15 trường tương đương trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Ngành, nghề trọng điểm quốc gia ngày càng hoàn thiện, trong đó 15-20 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt, cần tập trung phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng mở, tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. 

Theo đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công về giáo dục nghề nghiệp bảo đảm nhu cầu học nghề, tham gia vào quá trình kết nối thị trường lao động đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời, bảo đảm nguyện vọng học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chất lượng cao nằm trong nhóm dẫn đầu các nước Đông Nam Á và ngang bằng với một số nước phát triển.
 

Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030 - 2

Dự thảo định hướng đến năm 2045 sẽ phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập với số lượng vượt trội so với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và cùng với các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đồng thời góp phần có hiệu quả, tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đạt chuẩn trình độ, đảm bảo số lượng và chất lượng tương đương các nước phát triển. Cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đáp ứng một cách hiệu quả yêu cầu đào tạo. Chất lượng đào tạo trong nhóm dẫn đầu các nước ASEAN, ngang bằng với một số nước công nghiệp phát triển.
Theo dantri

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây